Lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2023
Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán VnDirect cho biết, nhờ một loạt chính sách hỗ trợ kinh tế đã được ban hành, tăng trưởng tín dụng đã có sự cải thiện nhẹ trong tháng 6, tuy nhiên vẫn còn khá chậm do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Trong khi đó, tăng trưởng cung tiền M2 cải thiện liên tục trong 3 tháng gần đây đã kéo khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng cung tiền M2 dần thu hẹp lại.
Tăng trưởng tiền gửi của dân cư chậm lại trong tháng 6/2023 sau khi lãi suất huy động liên tục giảm thời gian gần đây đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh tiền gửi. Trong khi đó tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế có sự phục hồi nhẹ trong tháng 6/2023 tuy nhiên vẫn ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Thống kê của VnDirect cho biết, tại thời điểm cuối tháng 7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh lùi về mức 6,3%/năm, giảm 1,1 điểm % so với đầu năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,3% đến 7,0%/năm với mức trung bình khoảng 6,7%/năm, giảm gần 1,6 điểm % so với đầu năm. Trong nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động giảm đáng kể nhất khoảng 0,3-0,7%/năm (trong tháng 7) ở một số ngân hàng như VIB, TPBank, LPBank, Sacombank, SeABank, VPBank, SHB, OCB.
Theo dự báo của VnDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023, do: (1) tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, (2) tăng trưởng tín dụng chậm trong nửa đầu năm giúp giảm bớt áp lực huy động vốn, (3) Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và (4) Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
VnDirect cũng nhận định, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
“Chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới”, VnDirect đánh giá
Mặt khác, áp lực tỷ giá tăng gia tăng trong tháng 7, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giao dịch ở mức 23.678 tại ngày 24/7/2023 (tăng 0,4% so với thời điểm cuối tháng 6).
Các chuyên gia VnDirect nhận thấy một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023, bao gồm lãi suất điều hành của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi Ngân hàng Nhà nước định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023.
Tuy vậy, tỷ giá VND vẫn sẽ được hỗ trợ bởi: (1)Thặng dư thương mại duy trì mức cao; (2) FDI và kiều hối ổn định; (3) các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ; (4) Việt Nam hiện duy trì lãi suất thực cao.
“Nhìn chung, chúng tôi cho rằng tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá +/- 2,0% so với đầu năm 2023”, chuyên gia VNDIECT đánh giá.