Công ty chứng khoán nhận định gì về cổ phiếu KBC, SGP và TCB?
VCBS: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KBC, giá mục tiêu 69.048 đồng
Trong 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc- Công ty Cổ phần (HoSE: KBC) tăng trưởng 231% so với cùng kỳ và đạt 3.077 tỷ đồng. Doanh thu tăng chủ yếu đến từ tăng trưởng trong doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp Quang Châu và Tân Phú Trung và doanh thu chuyển nhượng bất động sản đối với hơn 4ha tại khu đô thị Tràng Duệ với mức giá bán cao hơn các kỳ trước. Lợi nhuận sau thuế của KBC đạt 733 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận được cải thiện nhờ đà tăng của giá bán đất đô thị và giá thuê đất khu công nghiệp trong giai đoạn vừa qua.
Cả năm 2021, KBC ước tính doanh thu đạt 4.190 tỷ đồng, tăng 94,8% so với cùng kỳ năm 2020 và lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng 181,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh nghiệp hoàn thành lần lượt 70% và 45% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế của năm. Điều này đến từ việc dịch Covid-19 và các biện pháp hạn chế đi lại gây đình trệ hoạt động xem xét dự án, thực hiện đầu tư của các doanh nghiệp FDI và KBC không kịp ghi nhận doanh thu từ khu đô thị Phúc Ninh do vướng mắc về pháp lý.
Trong năm 2022, KBC tăng tốc triển khai và ghi nhận doanh thu từ các khu công nghiệp như khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh - Bắc Ninh hiện về cơ bản đã hoàn thành pháp lý và hạ tầng cần thiết, sẵn sàng ghi nhận diện tích cho thuê lớn; Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (Hải Phòng) sẽ nhận giấp phép chính thứctrong quý I năm 2022 và dự kiến có thể bắt đầu cho thuê từ 2023.
Bên cạnh đó, KBC đang tích cực đàm phán cho giao dịch bán buôn khoảng 30-50 ha tại Tràng Cát với mức giá dự kiến khoảng 15-20 triệu đồng/m2. Với việc doanh nghiệp đã được cấp phép san lấp, việc thi công hạ tầng cơ bản để bàn giao mặt bằng cho khách hàng sẽ được tiến hành khá nhanh chóng và KBC có thể ghi nhận phần lớn doanh thu và dòng tiền ngay trong năm 2022.
Ngoài ra, KBC đang tích cực phát triển quỹ đất tại các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp và quỹ đất còn nhiều với chi phí rẻ. Trong đó 3 địa phương được doanh nghiệp lựa chọn làm trọng điểm phát triển mới là Hưng Yên, Hải Dương và Long An với nhiều dự án quy mô lớn.
Trong năm 2022, KBC kì vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong doanh thu và lợi nhuận nhờ nhiều dự án khu công nghiệp được đưa vào kinh doanh và bắt đầu có đóng góp đáng kể từ các dự án đô thị. Với nguồn lực tài chính quan trọng từ hoạt động kinh doanh và kế hoạch phát hành cổ phiếu, KBC sẽ đi vào chu kì tăng trưởng mới với nhiều dự án có quy mô lớn.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu KBC của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) tại đây.
KBSV: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu SGP
Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng đột biến trong năm 2021. Cụ thể, SGP công bố kết quả kinh doanh quý IV năm 2021 với lợi nhuận đạt 597 tỷ đồng, cao gấp 5,4 lần so với cùng kỳ và doanh thu 377 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lũy kế năm 2021, doanh nghiệp đạt lợi nhuận 893 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ và doanh thu đạt 1.372 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020, hoàn thành vượt 14% chỉ tiêu doanh thu và vượt tới 230% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Biên lợi nhuận gộp cải thiện của SGP lên 41% và tăng so với mức 36% cùng kỳ.
Đáng chú ý, lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết ghi nhận đột biến 472 tỷ đồng trong quý IV năm 2021 trong đó chủ yếu đến từ SP-PSA. Trong năm 2021, SP-PSA được xóa nợ 66,9 triệu USD tương ứng với gần 61% dư nợ gốc sau khi các cổ đông thanh toán số nợ gốc 43 triệu USD cho các ngân hàng.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Sài Gòn đạt 11,1 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, sản lượng qua cảng SP-PSA cũng ghi nhận khả quan, tăng 20% lên 6,67 triệu tấn.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu SGP của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tại đây.
BVSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu TCB, giá mục tiêu 63.300 đồng
Quý IV năm 2021, tín dụng hợp nhất của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (HoSE: TCB) tăng 8,1% so với quý trước tương ứng với mức tăng tín dụng cả năm 2021 là 26,5%, mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 13%.
Tăng trưởng tín dụng của Techcombank có sự đóng góp tưởng đối đồng đều từ trái phiếu doanh nghiệp và cho vay khách hàng. Trong đó cho vay khách hàng tăng 8,2% so với quý trước và trái phiếu doanh nghiệp tăng 7,5% so với quý trước. Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng vẫn duy trì ở mức tương đối ổn định quanh mức 15%. Nhóm khách hàng cá nhân tiếp tục là nhóm dẫn dắt tăng trưởng tín dụng với mức tăng trưởng đến cuối quý IV là 17,4% so với quý trước và 45,9% so với cùng kỳ năm trước. Với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid19, thanh khoản dồi dào và tỷ lệ đòn bẩy ở mức thấp thì tăng trưởng tín dụng củaTechcombank được ước tính sẽ đạt khoảng 25% trong năm 2022.
Khác với một số ngân hàng đã công bố nợ tái cơ cấu, nợ tái cơ cấu của Techcombank đã giảm 32% về mức 1,9 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2021, Techcombank cũng đã thực hiện trích lập 100% nợ tái cơ cấu mà không cần phân bổ trong 3n ăm. Điều này làm giảm áp lực trích lập dự phòng cũng như tạo ra bộ đệm lợi nhuận cho TCB trong những năm tới.
Bên cạnh đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ của TCB đạt 2.103 tỷ đồng trong quý IV năm 2021, tăng 96,7% so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng trưởng mạnh mẽ diễn ra trên nhiều mảng như banca, môi giới và dịch vụ thẻ.
Techcombank đã đàm phán lại về những điều khoản triển khai dịch vụ với Manulife từ đó đã thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Techcombank và Manulife. Theo khảo sát của BVSC thì Techcombank là ngân hàng bán bảo hiểm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà hầu như không có hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm theo khoản vay. Với những yếu tố này, doanh thu phí từ bảo hiểm của Techcombank được kì vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong những năm tới.