Cập nhật ngành cho thuê bán lẻ: Chủ đầu tư TTTM hàng đầu VRE ở vị thế tốt nhất
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo cập nhật ngành cho thuê bán lẻ Công ty Chứng khoán Bản Việt chi tiết tại đây.
Nội dung tóm tắt:
"VRE có vị thế tốt để tận dụng sự tăng trưởng vững chắc của ngành cho thuê bán lẻ tại Việt Nam
Tỷ lệ thâm nhập thấp cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong các dịch vụ bán lẻ. Hà Nội và TP. HCM vẫn là hai trong số các thành phố có tỷ lệ thâm nhập thấp nhất trong khu vực tính theo diện tích mặt bằng bán lẻ trên đầu người. Tổng nguồn cung bán lẻ hiện đại - bao gồm TTTM, cửa hàng bách hóa và phần đế bán lẻ (trong các tòa nhà cao tầng) - đạt 1,07 triệu m2 tại TP. HCM và 1,00 triệu m2 tại Hà Nội tính đến cuối quý 2/2021, theo số liệu của CBRE. Con số này tương ứng với tỷ lệ 0,116 và 0,121 m2/người lần lượt ở TP. HCM và Hà Nội, vẫn còn khiêm tốn so với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á. Về dài hạn, chúng tôi cho rằng việc Việt Nam đi theo xu hướng trong khu vực và thu hẹp chênh lệch về tỷ lệ mặt bằng bán lẻ hiện đại là điều tất yếu
VRE đã trở thành một trong những công ty vận hành TTTM phát triển nhanh nhất trong nhóm các quốc gia cùng ngành mà chúng tôi lựa chọn
So với các nước Đông Nam Á đề cập ở trên vốn đã có các TTTM lớn đầu tiên xuất hiện vào giữa những năm 1980, TTTM bán lẻ đầu tiên của Việt Nam - Vincom Center Bà Triệu (Hà Nội) – được khai trương vào năm 2004 mở đường cho sự phát triển của bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Trên đường cong tăng trưởng, Việt Nam khiến chúng tôi liên tưởng đến các nước trong khu vực Đông Nam Á thời điểm cách đây 15-20 năm với những điểm tương đồng như mức thu nhập, việc khánh thành các tuyến đường sắt vận tải công cộng và sự xuất hiên ngày càng nhiều của các thương hiệu toàn cầu
VRE đã thiết lập vị thế thống trị cả về độ phủ TTTM và tổng diện tích cho thuê bán lẻ tại Việt Nam
Hai thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM là trung tâm bán lẻ của Việt Nam. Việt Nam hiện có hơn 200 TTTM và cửa hàng bách hóa trên toàn quốc bao gồm nhiều loại hình tiện ích khác nhau. Theo ước tính của chúng tôi, hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP. TP. HCM hiện chiếm hơn 80% tổng diện tích bán lẻ của cả nước. Tổng nguồn cung bán lẻ hiện đại ở cả Hà Nội và TP. HCM là khoảng 2,1 triệu m2 NLA vào cuối quý 2/2021, tăng trưởng với tốc độ CAGR 15% trong 10 năm qua (2010-2020). Theo CBRE, Hà Nội và TP. HCM sẽ tiếp tục có thêm khoảng 600.000 m2 diện tích bán lẻ vào cuối năm 2023.
Dịch COVID-19 đã làm gián đoạn đáng kể ngành bán lẻ, nhưng quá trình phục hồi đang bắt đầu
Đợt dịch COVID-19 thứ tư đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế - đặc biệt là ở TP. HCM. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên vào tháng 1/2020, Việt Nam đã trải qua 4 đợt COVID-19 trong đó đáng kể nhất là đợt dịch đầu tiên (tháng 4/2020) và đợt 4 (cuối tháng 4/2021 - tháng 9/2021). Mặc dù làn sóng dịch đợt đầu tiên gây ra sự gián đoạn đáng kể đối với các hoạt động kinh tế cũng như di chuyển trong nước do khoảng thời gian giãn cách xã hội kéo dài 2tuần của Việt Nam vào tháng 4/2020, nhưng đã nhanh chóng được kiểm soát nhờ vào chiến lược đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội hiệu quả của Chính phủ. Do đó, những ảnh hưởng tiêu cực từ làn sóng COVID-19 đầu tiên đối với các hoạt động kinh tế của Việt Nam đã được hạn chế và sự phục hồi theo mô hình chữ V được thể hiện trong lưu lượng đến các địa điểm bán lẻ và giải trí cũng như đối với tăng trưởng tổng doanh số bán lẻ và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng.
Tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 được tăng tốc đã mở đường cho việc mở cửa kinh tế trở lại.
Tiêm vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế sự lây lan của COVID-19 cũng như giảm tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong. Do đó, tỷ lệ tiêm chủng cho tổng dân số là một tiêu chuẩn mà các chính phủ toàn cầu đánh giá khi xem xét mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế. Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm và phân phối vaccine COVID19 trên toàn quốc - đặc biệt là tại TP. HCM.
Xu hướng “mua sắm bù” sẽ hỗ trợ nhu cầu phục hồi hậu dịch COVID-19
Bằng cách quan sát xu hướng doanh thu của các công ty quốc tế trong 3 ngành hàng chính -thời trang & phụ kiện, mỹ phẩm và F&B - chúng tôi tin tưởng rằng một khi tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát phần lớn và Chính phủ bắt đầu mở cửa trở lại tất cả các hoạt động kinh tế , ngành bán lẻ sẽ trải qua sự phục hồi mạnh mẽ. Kỳ vọng này một phần được thúc đẩy bởi xu hướng "mua sắm bù", được Forbes định nghĩa là người tiêu dùng bù đắp thời gian đã mất bằng việc gia tăng chi tiêu. Chúng tôi đã chọn các công ty hàng đầu với danh mục thương hiệu toàn cầu và/hoặc mạng lưới bán lẻ rộng khắp để đưa ra xu hướng bán hàng phổ biến nhất giai đoạn 2018-2021. Tất cả các công ty được chọn đều có doanh số giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2020 – đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên trên toàn cầu – và sau đó đều ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối 2020 và 6 tháng 2021.
Hoạt động kinh doanh của VRE vẫn khả quan so với các công ty cùng ngành trong khu vực do COVID-19
Bên cạnh việc là một trong những nhà vận hành hành TTTM có độ phủ sống TTTM cao nhất và phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, hoạt động kinh doanh của VRE còn vượt trội so với các công ty cùng ngành trong khu vực trước và trong đại dịch COVID-19. Chúng tôi đưa ra so sánh giữa VRE và các công ty cùng ngành trong khu vực về mức tăng trưởng doanh thu cho thuê bán lẻ hàng quý so với cùng kỳ năm trước (YoY), lợi nhuận hoạt động hàng quý YoY và biên lợi nhuận HĐKD hàng quý từ năm 2018 đến quý 2/2021.
Định giá của VRE hấp dẫn do giá cổ phiếu của công ty đang chịu áp lực bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam.
Chúng tôi sử dụng hệ số P/E và P/B, dự phóng dự báo tăng trưởng lợi nhuận và ROE chung, làm số liệu để so sánh VRE với các công ty cùng ngành. VRE cũng duy trì mức đòn bẩy tài chính tốt hơn so với các công ty cùng ngành với tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu là 1% so với 94% của các công ty cùng ngành".