Báo cáo ngành ngân hàng: Cập nhật quý 3/2021
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo phân tích ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tại đây.
Tóm tắt nội dung:
"Lợi nhuận ngành ngân hàng Q3/2021 giảm -16% QoQ, kết quả này thấp hơn hơn so với dự báo giảm -19% QoQ của chúng tôi. Nguyên nhân là do thu nhập lãi ròng, thu nhập phí và thu từ xử lý nợ xấu giảm so với quý trước. Tuy nhiên, khoản trích lập dự phòng giảm so với quý trước trái ngược với kỳ vọng của chúng tôi. Trong khi đó, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng +19% YoY, phần lớn nhờ vào sự gia tăng của khoản thu nhập lãi ròng (+20% YoY). Đây là một mức tăng trưởng YoY vững chắc, nhưng vẫn còn thấp hơn so với tăng trưởng lợi nhuận trong Q1/2021 (+77% YoY) và Q2/2021 (+41%).
VCB (MUA) vẫn là ngân hàng đứng đầu bảng xếp hạng theo mô hình CAMEL của chúng tôi. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) trong Q3/2021 của VCB đạt 243% (-109ppt QoQ/ +28ppt YoY), đây là tỷ lệ LLR cao nhất ngành. Lợi nhuận của VCB tăng mạnh so với quý trước phần lớn do giảm dự phòng, và điều này cho thấy rằng tỷ lệ LLR cao giúp ngân hàng có được sự linh hoạt trong việc giảm dự phòng và từ đó thúc đẩy lợi nhuận tăng lên trong thời gian tới.
ACB (MUA) xếp thứ 2, theo sau đó là TCB (KHÔNG ĐÁNH GIÁ), và MBB (MUA). Điều này không quá bất ngờ, do 4 ngân hàng này thường đứng đầu trong bảng xếp hạng mô hình CAMEL theo quý của chúng tôi xét về chất lượng.
VPB (NẮM GIỮ - Khả quan) cải thiện đáng kể tăng lên hạng 9 từ thứ hạng 14 trong bảng xếp hạng Q2/2021 của chúng tôi, phần lớn là do nguồn vốn tăng, quản lý chi phí hiệu quả, và tỷ lệ CASA tăng. Tỷ lệ CAR của VPB là 12,4% tính đến cuối Q3/2021, đây là tỷ lệ thuộc nhóm cao nhất ngành. Ngoài ra, nguồn vốn của VPB sẽ tăng lên trong Q4/2021 do ngân hàng đã toàn tất thương vụ bán 49% cổ phần của FE Credit cho SMBC; chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ CAR của VPB sẽ tăng lên mức 17% nhờ nguồn vốn từ bán cổ phần tại FE Credit.
Tỷ lệ LLR toàn ngành là 115% (-6ppt QoQ/ +32ppt YoY). Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của toàn ngành là 1,62% (+21bps QoQ/ -23bps YoY). Chúng tôi đã ước tính chi phí tín dụng sẽ tăng cao hơn do áp lực từ nợ xấu gia tăng, nhưng chính sách trích lập dự phòng giữa các ngân hàng có sự khác biệt (xem biểu đồ 5).
Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị tập trung vào các ngân hàng chất lượng có tỷ lệ LLR cao như VCB, MBB và ACB do tác động của đại dịch. Theo quan điểm của chúng tôi, VCB vẫn tiếp tục là ngân hàng có chất lượng tốt nhất trong bảng xếp hạng này và định giá tương xứng với vị thế đầu ngành".