Nhận định cổ phiếu ngày 11/5: VPB, PVS và HDG
KBSV: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB, giá mục tiêu 44.400 đồng
Quý I năm 2022, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) tiếp đà hồi phục với thu nhập lãi thuần đạt 9.888 tỷ đồng (tăng 16% so với quý trước, tăng 8,4% so với cùng kỳ), trong đó thu nhập lãi thuần của ngân hàng mẹ tăng 29,7% so với cùng kỳ trong khi thu nhập lãi thuần của Fecredit giảm 13,9% so với cùng kỳ.
Thu nhập ngoài lãi đạt 8.382 tỷ đồng (tăng 229% so với quý trước, tăng 334% so với cùng kỳ) nhờ ghi nhận hơn 5.000 tỷ đồng upfront fee từ thương vụ thỏa thuận lại hợp đồng độc quyền bảo hiểm với AIA khiến TOI đạt 18.270 tỷ đồng, tăng 65,3% so với cùng kỳ.
Chi phí trích lập dự phòng thấp hơn so với 2 quý gần đây, đạt 4.132 tỷ đồng (giảm 23,1% so với quý trước, giảm 7,2% so với cùng kỳ) khiến lợi nhuận trước thuế quý I năm 2022 đạt 11.146 tỷ đồng (tăng 291,8% so với quý trước, tăng 178,2% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu quý I năm 2022 đạt 4,83%, tăng 36 bps so với quý trước. Trong đó, Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ được cải thiện, đạt 2,01%, giảm 27bps so với quý trước trong khi đó chất lượng tài sản của Fecredit tiếp tục giảm sút với tỷ lệ nợ xấu đạt 13,2% (KBSV ước tính), tăng 315bps so với quý trước.
Trong kì, VPB trích lập dự phòng 4.132 tỷ đồng (giảm 23,1% so với quý trước, giảm 7,2% so với cùng kỳ); Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của 63,6%, là mức cao nhất của VPB trong các năm gần đây. Tổng dư nợ tái cơ cấu tính đến hết quý I năm 2022 đạt 12,7 nghìn tỷ đồng, giảm 21,1% so với quý trước, Theo thông tin từ VPB, 97,6% nợ tái cơ cấu đang có lộ trình trả nợ đúng hạn. Hiện tại VPB đã trích lập 1.345 nghìn tỷ đồng, đi theo đúng lộ trình trích lập của Ngân hàng Nhà nước.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, VPB đặt kế hoạch tham vọng trong năm 2022 với tổng tài sản đạt 697.413 tỷ đồng, tăng 27,4% so với cùng kỳ; Dư nợ tín dụng đạt 518.440 tỷ đồng tương đương mức tăng trưởng 35%; Lợi nhuận trước thuế đạt 29.662 tỷ đồng, tăng 106,5% so với cùng kỳ trong đó lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ tăng 66% so với cùng kỳ. Theo quan điểm của KBSV, kế hoạch này là có cơ sở dựa trên: Nền kinh tế phục hồi cùng với vốn cấp 1 tăng mạnh là cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; Ghi nhận lợi nhuận đột biến từ upfront fee bancasurance.
Đáng chú ý, VPB đang lên kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu từ 11% lên trên 90% đối với Công ty Cổ phần Bảo hiểm OPES với giá mua không quá 1,5 lần so với giá trị sổ sách, qua đó đưa OPES thành công ty con của ngân hàng. OPES gia nhập thị trường bảo hiểm từ năm 2018 tuy nhiên đã có những bước phát triển mạnh mẽ với thị phần doanh thu phí đạt khoảng 1%. Bên cạnh đó, VPB có kế hoạch góp vốn 15.000 tỷ đồng vào công ty chứng khoán ASC để đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán. KBSV sẽ cập nhật đánh giá chi tiết sau khi có thông tin về kế hoạch sử dụng vốn của ASC cũng như kế hoạch kinh doanh của OPES.
KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB, giá mục tiêu 44.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 33,3% so với giá đóng cửa ngày 10/5/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VPB của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam tại đây.
VNDIRECT: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PVS, giá mục tiêu 35.000 đồng
Quý I năm 2022, doanh thu của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HoSE: PVS) tăng 44,2% so với cùng kỳ đạt 3.769 tỷ đồng nhờ đóng góp từ các hợp đồng EPC được ký kết trong nửa cuối 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp quý I năm 2022 chỉ tăng 7,8% so với cùng kỳ do các dự án này đang trong giai đoạn đầu.
Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 21,2% so với cùng kỳ nhờ chi phí nhân công và chi phí dự phòng thấp hơn, đồng thời thu nhập từ công ty liên kết tiếp tục đóng vai trò chính trong hoạt động kinh doanh của PVS với tốc độ tăng trưởng 13,8% đạt 162 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận ròng tăng 49,5% so với cùng kỳ lên 216 tỷ đồng, hoàn thành 23% dự phóng cả năm của VNDIRECT.
Trong quý IV năm 2021, PVS ghi nhận khoản thu nhập từ công ty liên kết âm chủ yếu do công ty đã ghi nhân chi phí dự phòng cho FPSO Lam Sơn do chưa chốt được hợp đồng gia hạn sau ngày 30/06/2022. Theo VNDIRECT, giá dầu cao như hiện nay sẽ là điều kiện lý tưởng để PVS đàm phán gia hạn hợp đồng cho FPSO Lam Sơn cũng như FPSO Ruby, củng cố động lực chính của công ty với tốc độ tăng trưởng kép là 24,1% trong 2022-2023. Đáng chú ý, công ty cũng sẽ tham gia đấu thầu tàu FSO cho dự án Lô B khi dự án được khởi động. VNDIRECT cho rằng đây sẽ là động lực tăng giá tiềm năng cho PVS trong thời gian tới.
Tại Đại hội cổ đông 2022, dù không đề cập đến thời điểm triển khai nhưng PVS kỳ vọng dự án Lô B sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho công ty trong những năm tới. Công ty cũng đặt mục tiêu mảng điện gió ngoài khơi sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn, trong đó PVS sẽ tham gia với tư cách vừa là chủ đầu tư vừa là nhà thầu EPC.
Trong 2022, PVS đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu là 10.000 tỷ đồng (giảm 29,7% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế là 488 tỷ đồng (giảm 28% so với cùng kỳ). VNDIRECT tin rằng PVS sẽ dễ dàng vượt kế hoạch này và có thể đạt mức tăng trưởng kép lợi nhuận ròng là 26,7% trong 2022-2024, nhờ: đóng góp vững chắc của các liên doanh FSO/FPSO, và triển vọng được cải thiện của mảng M&C từ năm 2022. Ngoài ra, PVS dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8% và 7% mệnh giá cho năm 2021-2022.
VNDIRECT khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PVS, giá mục tiêu 35.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 44,6% so với giá đóng cửa ngày 10/5/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu PVS của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT tại đây.
VCSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HDG, giá mục tiêu 80.000 đồng
Quý I năm 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) công bố lợi nhuận sau thuế trước cổ đông thiểu số sơ bộ là 210 tỷ đồng, hoàn thành 14% dự báo năm 2022 của VCSC do đóng góp doanh thu từ mảng bất động sản vẫn ở mức thấp trong quý. Tuy nhiên, VCSC kỳ vọng lợi íchp sẽ tăng tốc trong tương lai.
Đáng chú ý, HDG đã công bố kế hoạch kinh doanh 5 năm với mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 22% - 27% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu này dựa trên quỹ đất hiện tại, 8 dự án điện hiện hữu và 4 dự án điện gió mới của HDG. Công ty đặt mục tiêu phát triển ít nhất 5 dự án bất động sản và năng lượng vào năm 2022, đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, công ty sẽ M&A với 1 công ty bất động sản có sẵn quỹ đất sạch hoặc tham gia đấu giá để mua lại quỹ đất. HDG đang nghiên cứu các dự án mới tại Hà Nội (huyện Thanh Oai), TP.HCM (huyện Bình Chánh) và Phước Mỹ 2 (tỉnh Ninh Thuận). Những dự án này có thể giúp tăng gấp 4 lần quỹ đất của HDG lên 450 ha trong vòng 5 năm tới. Trước đó, HDG chia sẻ rằng công ty đang đàm phán để hoàn tất việc mua lại quỹ đất 125 ha ở phía Tây Hà Nội với giá sơ bộ khoảng 1 nghìn tỷ đồng và biên lợi nhuận ròng dự kiến đạt tối thiểu 18% - 20%.
HDG đã trình đề xuất thành lập công ty con Hado Real Estate và mục tiêu tiến hành IPO trong dài hạn. HDG sẽ nắm giữ ít nhất 90% cổ phần tại công ty con này. 10% cổ phần còn lại sẽ thuộc về Chủ tịch Hội đồnq quản trị HDG và một số thành viên Hội đồnq quản trị. Công ty con này sẽ quản lý toàn bộ tài sản bất động sản của HDG. Theo ban lãnh đạo, lý do thành lập công ty con này là để tái cấu trúc HDG thành công ty mẹ và nâng cao năng lực quản lý vốn cũng như nâng cao tính chuyên môn, tính chuyên nghiệp và khả năng sinh lời của các công ty con của HDG.
Sau khi PDP VIII được phê duyệt, HDG dự kiến sẽ phát triển 2 dự án điện gió là Phước Hữu (50 MW) và Ea H’leo (20 MW). Công ty đang chờ cơ chế đấu giá (sẽ được sử dụng để lựa chọn nhà đầu tư dựa trên giá chào bán thấp nhất). HDG dự kiến mức giá mới cho điện gió là 7,5 US cent - thấp hơn 12% so với con số trước đây là 8,5 US cent và cao hơn giả định của VCSC là 7,0 US cent. Ngoài ra, công ty đặt mục tiêu IRR là khoảng 12% cho dự án mới. Chi tiêu vốn хâу dựng ᴄơ bản cho mảng năng lượng dự kiến là 1 nghìn tỷ đồng. HDG cũng tự tin rằng dự án điện gió lớn An Phong 300 MW của công ty sẽ được đưa vào PDP VIII.
Ngoài ra, danh mục điện ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý I năm 2022 và có triển vọng tươi sáng do miền Bắc đang đối mặt với tình trạng thiếu điện. Sản lượng điện thương phẩm của HDG đạt 290 triệu kWh trong quý I năm 2022, vượt mục tiêu của quý là 20%. Sản lượng điện thương phẩm hàng tháng của nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 cao hơn 20% - 50% mục tiêu của HDG.
Ngoài ra, điện gió và điện mặt trời không phải đối mặt với bất kỳ rủi ro cắt giảm nào do tình trạng thiếu điện ở miền Bắc. Chủ tịch Hội đồnq quản trị HDG tự tin rằng các nhà máy thủy điện có thời gian hoàn vốn là 10 năm trong vòng đời 50 năm, trong khi nhà máy điện gió/mặt trời có thời gian hoàn vốn từ 7-8 năm trong vòng đời 20-30 năm.
VCSC khả quan đối với cổ phiếu HDG, giá mục tiêu 80.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 73,53% so với giá đóng cửa ngày 10/5/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu HDG của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại đây.