Nhận định cổ phiếu ngày 10/5: TCB, BSR và STK
KBSV: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TCB, giá mục tiêu 65.000 đồng
Quý I năm 2022, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 8.111 tỷ đồng (tăng 12 % so với quý trước và tăng 32,4% so với cùng kỳ), thu nhập ngoài lãi đạt 2.000 tỷ đồng (giảm 31,3% so với quý trước và giảm 28,8% so với cùng kỳ). Thu ngoài lãi giảm mạnh khiến tổng thu hoạt động chỉ tăng 13,2% so với cùng kỳ và giảm nhẹ 0,5 % so với quý trước, đạt 10.112 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng quý I năm 2022 giảm mạnh 74,4% so với cùng kỳ, đạt 218 tỷ đồng, từ đó lợi nhuận tước thuế quý I năm 2022 vẫn tăng 23 %so với cùng kỳ, đạt 6.785 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng quý I năm 2022 đạt 9,3%, trong khi cùng kỳ là 5,6%.
Quý I năm 2022, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hầu như không tăng, đạt 0,67%. Dư nợ nhóm 3 giảm 25% so với quý trước do chuyển dịch xuống các nhóm thấp hơn, cụ thể nợ nghi nhờ tăng 30,3% so với quý trước và nợ mất vốn tăng 7,4% so với quý trước. Do đó tỷ trọng nợ nhóm 3/tổng dư nợ tăng nhẹ lên 0,3% - vẫn ở mức an toàn.
Tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu duy trì trên 160%. Chi phí trích lập dự phòng cho quý I năn 2022 chỉ khoảng 218 tỷ đồng (giảm 65% so với quý trước và giảm 74.4% so với cùng kỳ). Dư nợ tái cơ cấu tính đến cuối quý I năm 2022 giảm 15,8% so với quý trước, đạt 1.600 tỷ đồng (chiếm 0,5% tổng dư nợ). Ngân hàng cho biết khả năng trả nợ của khách hàng đang dần quay trở lại nên khoản mục này không đáng lo ngại.
Đáng chú ý, Techcombank hiện là một trong những ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho bất động sản lớn nhất toàn ngành, do đó các biện pháp siết chặt tín dụng bất động sản sẽ có những tác động tới hoạt động cho vay của ngân hàng. Cụ thể, mảng cho vay kinh doanh bất động sản của TCB sẽ chịu tác động chính khi tăng trưởng dư nợ trong quý I năm 2022 chỉ khoảng 2,35% (cùng kỳ là 4,98%); hoạt động cho vay mua nhà được cho là ít bị ảnh hưởng hơn khi vẫn tăng 6,2% (cùng kỳ là 2,3%).
Trong buổi họp Đại hội Cổ đông thường niên vào ngày 23/4/2022, Ban lãnh đạo có chia sẻ rằng ngân hàng đang và đã đàm phán với Manulife về mức phí bảo hiểm mới, tuy nhiên lãi suất chiết khấu còn tương đối cao trong trường hợp nhận 1 lần đồng thời nguồn vốn của ngân hàng vẫn đang đáp ứng tốt hoạt động kinh doanh của TCB (CAR 2021 đạt 15% - cao nhất ngành). Do đó, ngân hàng sẽ lựa chọn phương án nhận thưởng hằng năm khi đạt doanh số bán bảo hiểm, ví dụ như trong quý IV năm 2021 TCB đã nhận gần 600 tỷ đồng tiền thưởng từ Manulife.
Lựa chọn phương án trên là phù hợp với chiến lược trong dài hạn và tình hình tài chính vững mạnh hiện tại của ngân hàng. Ban lãnh đạo cũng cho biết trong trường hợp hai bên thống nhất được mức lãi suất chiết khấu thấp hơn (khoảng 1 - 2%) thì ngân hàng sẽ nhận phí một lần.
KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TCB, giá mục tiêu 65.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 68,4% so với giá đóng cửa ngày 9/5/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu TCB của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam tại đây.
VCSC: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BSR, giá mục tiêu 31.700 đồng
Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (HoSE: BSR) đã công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2022 khả quan với doanh thu đạt 35 nghìn tỷ đồng (tăng 65,3% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 25,2% so với cùng kỳ), nhờ sự phục hồi mạnh của biên xăng dầu và mức tăng nhẹ của sản lượng bán hàng. Trong quý I năm 2022, biên xăng/dầu diesel/nhiên liệu bay của BSR đã tăng lần lượt 84%/4 lần/10 lần so với cùng kỳ lên đạt 15,3/8,1/8,7 USD mỗi thùng, vượt kỳ vọng của VCSC.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số quý I năm 2022 thể hiện mức giảm 13,4% so với quý IV năm 2021 (so với quý trước), VCSC cho rằng là do sản lượng tiêu thụ giảm 15,3% so với quý trước do tổng nhu cầu xăng dầu bình thường hóa từ mức cơ sở cao của quý IV năm 2021 và biên xăng và nhiên liệu máy bay hạ nhiệt lần lượt khoảng 8% so với quý trước và khoảng 4% so với quý trước; tuy nhiên, biên dầu diesel tăng 32% so với quý trước.
Đáng chú ý, BSR đã trích lập chi phí dự phòng hàng tồn kho là 1,9 nghìn tỷ đồng trong quý I năm 2022 do xu hướng giảm của giá dầu Brent kể từ đầu tháng 3.
Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế quý I năm 2022 hoàn thành 31,7% dự báo cả năm của VCSC và cao hơn nhẹ so với kỳ vọng của VCSC. Ngoài ra, như đã nêu trong Báo cáo Đại hội cổ đông ngày 22/04/2022 của VCSC, BSR đang điều chỉnh dự án nâng cấp và mở rộng để mang tính cập nhật và hiệu quả hơn, diễn biến sẽ tích cực nhẹ cho triển vọng dài hạn của công ty.
VCSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BSR, giá mục tiêu 31.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 56,9% so với giá đóng cửa ngày 9/5/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu BSR của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại đây.
VNDIRECT: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu STK, giá mục tiêu 68.200 đồng
Quý I năm 2022, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) ghi nhận doanh thu đạt 640 tỷ đồng (tăng 12,9% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng 76,3 tỷ đồng (tăng 8,8% so với cùng kỳ). Kết quả kinh doanh quý I năm 2022 thấp hơn kỳ vọng của VNDIRECT do STK đã từ chối nhận thêm đơn đặt hàng sợi tái chế do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và biên lợi nhuận gộp giảm 2,3 điểm % xuống 17,5% sau khi giá chip Polyetylen (PE) tăng mạnh trong quý I năm 2022.
Đáng chú ý, VNDIRECT cho rằng STK sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và sự gia nhâp của các đối thủ mới. Giá chip PE, chiếm 60% giá vốn hàng bán, đã tăng 18% so với cùng kỳ trong quý I năm 2022 sau đà tăng của giá dầu. VNDIRECT dự phóng giá chip PE sẽ giảm dần tới cuối năm 2022, đạt 28.309 đồng/kg (tăng 10,8% so với cùng kỳ) vào năm 2022 và 27.459 đồng/kg (giảm 3% so với cùng kỳ) trong 2023.
Bên cạnh đó, công ty TNHH Polytex Far Eastern, nhà sản xuất sợi Đài Loan sẽ chuyển nhà máy sợi sang Việt Nam với công suất 60.000 tấn/năm vào năm 2022. Far Eastern sẽ là nhà sản xuất sợi tái chế thứ ba tại Việt Nam với mục tiêu cung cấp cho ngành dệt may Đài Loan và các nhà sản xuất hàng may mặc. Do đó, VNDIRECT cho rằng sự cạnh tranh trên thị trường nội địa đang nóng lên do quy mô của nhà máy Far Eastern tương đương với STK.
VNDIRECT giảm doanh thu từ sợi tái chế 2022/2023 xuống 22,5%/9,1% so với dự báo trước đó do kết quả kinh doanh quý I năm 2022 thấp hơn kỳ vọng và áp lực cạnh tranh gia tăng từ các công ty mới bắt đầu; Nhà máy Unitex sẽ khánh thành vào quý II năm 2023, chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch ban đầu. VNDIRECT điều chỉnh giảm 0,4 điểm %/0,5 điểm % biên lợi nhuận gộp 2022/2023 sau khi giá chip PE tăng 8%/6%. Do đó, lợi nhuận ròng 2022/2023 điều chỉnh giảm lần lượt là 6,9%/16,9% so với dự phóng trước đó. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ròng vẫn giữ ở mức 28% trong năm 2022-2023, cao hơn mức trung bình 91% trong năm 2020-2021.
VNDIRECT khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu STK, giá mục tiêu 68.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 24,22% so với giá đóng cửa ngày 9/5/2022.
Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu STk của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT tại đây.