Lịch sử giá cổ phiếu VGI và những thông tin cần biết
Cổ phiếu VGI là của công ty nào?
Cổ phiếu VGI của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel được giao dịch trên sàn UPCoM.
Thông tin khái quát về Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel
Vốn điều lệ đăng ký: 30.438.112.000.000 đồng.
Trụ sở chính: Tầng 39 - 40, Tòa nhà Keangnam Landmark, Lô E6, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Điện thoại: 84-24-62626868.
Fax: 84-24-62568686.
Website: www.viettelglobal.vn
Quá trình hình thành và phát triển
Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) được thành lập vào ngày 24 tháng 10 năm 2007 theo Giấy Chứng nhận Đăng ký Kinh doanh số 0102409426 cấp bởi Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội. Mục tiêu kinh doanh chính của Viettel Global là đầu tư vào các dự án viễn thông tại thị trường nước ngoài, mở rộng phạm vi hoạt động; nâng cao năng lực cạnh tranh; mở rộng quy mô thị trường chuẩn bị cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất.
Sau hơn 14 năm hoạt động, vốn điều lệ của Viettel Global tăng từ 960 tỷ lên 30,43 nghìn tỷ đồng, là nhà đầu tư viễn thông quốc tế lớn nhất Việt Nam, nằm trong Top 20 công ty viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới về số thuê bao (theo đánh giá của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu - GSMA).
Ai là cổ đông nắm giữ nhiều cổ phiếu VGI nhất?
Khối lượng cổ phiếu VGI đang lưu hành trên sàn UPCoM là 3.043.811.200 cổ phiếu.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nắm giữ nhiều cổ phiếu VGI nhất với 3.014.217.300 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 99,03%.
Xếp sau là cổ đông Hoàng Sơn là Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI) với 72.300 cổ phiếu; cổ đông Tào Đức Thắng là Thành viên HĐQT Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel sở hữu 57.800 cổ phiếu.
Lịch sử giá cổ phiếu VGI qua các năm
Lịch sử giá cổ phiếu VGI
Giá cổ phiếu VGI biến động khá trồi sụt kể từ khi giao dịch trên sàn UPCoM. Giá cổ phiếu VGI giảm mạnh khi mới lên sàn nhưng sau đó bật lên, qua nhiều lần trồi sụt và tạo đỉnh vào đầu năm 2021. Từ đó, giá cổ phiếu VGI giảm nhẹ đến tháng 7 năm 2021 mới dần trở lại xu hướng tăng cho tới hiện nay.
Tại ngày 12/11/2021, giá cổ phiếu VGI là 36.400 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu VGI thấp nhất là bao nhiêu?
Giá cổ phiếu VGI thấp nhất là 12.000 đồng/cổ phiếu tại ngày 25/12/2018 (tính theo giá điều chỉnh).
Giá cổ phiếu VGI cao nhất là bao nhiêu?
Giá cổ phiếu VGI cao nhất là 47.500 đồng/cổ phiếu tại ngày 18/01/2021 (tính theo giá điều chỉnh).
Có nên mua cổ phiếu VGI không?
Tình hình kinh doanh của VGI
Năm 2020, hiệu quả hoạt động kinh doanh của Viettel Global được cải thiện tốt nhờ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là Viễn thông, giảm bớt hoạt động mua bán thiết bị có tỷ suất lợi nhuận thấp.
Tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2020 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 37,3% (tăng đáng kể so với mức 35,7% của năm 2019 và 31,4% của năm 2018). Đặc biệt, một số thị trường có tốc độ tăng trưởng rất tốt như Metfone (tại Campuchia), Mytel (Myanmar), Lumitel (Burundi), Halotel (Tanzania)…
Tổng doanh thu hợp nhất năm 2020 của Viettel Global đạt 22.246 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2019. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế cao nhất từ khi kinh doanh đến nay, đạt 1.200 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh thu của Viettel Global đạt 15.313 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lãi gộp đạt 6.336 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, thị trường châu Phi cũng đạt mức tăng trưởng trên 30% với tổng doanh thu đạt hơn 6.300 tỷ đồng, chiếm 41% doanh thu hợp nhất.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 1.571 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Viettel Global đạt lần lượt 54.086 tỷ và 29.097 tỷ đồng.
Cần bao nhiêu tiền để mua cổ phiếu VGI?
Sàn UPCoM chỉ cho phép mua tối thiểu 100 cổ phiếu/lần mua. Với giá cổ phiếu VGI tại ngày 10/11/2021 là 36.400 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư cần chi ra ít nhất 3.640.000 đồng/lần mua.
Định hướng phát triển của VGI
Kế hoạch kinh doanh của Viettel Global được xây dựng dựa trên quan điểm tiếp tục duy trì sự phát triển hiệu quả của tất cả các thị trường đang đầu tư, dựa trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn, bám sát theo các tín hiệu của thị trường và tiếp tục chuyển dịch cơ cấu doanh thu, tăng trưởng sang các dịch vụ mới ngoài viễn thông truyền thống. Theo đó, Tổng Công ty đã định hướng các chiến lược lớn cho các thị trường nước ngoài mà Viettel Global đang đầu tư như sau:
Chuyển dịch sang số hóa
Chuyển đổi thông tin: Tiếp cận tập trung để trích xuất và phát triển giá trị của thông tin liên quan đến khách hàng, thị trường, giao dịch, sản phẩm, dịch vụ, tài sản và kinh nghiệm kinh doanh.
Chuyển đổi trải nghiệm khách hàng: Tiếp cận hệ sinh thái toàn diện và đa chiều để liên tục gia tăng trải nghiệm xuất sắc đối với sản phẩm và dịch vụ.
Chuyển đổi nguồn lực: Triển khai và tích hợp nguồn lực bên trong và bên ngoài một cách hiệu quả.
Chuyển đổi vận hành: Giúp việc kinh doanh trở nên hiệu quả và nhạy bén hơn bằng cách ứng dụng số vào các hoạt động trong doanh nghiệp.
Chuyển đổi phương thức lãnh đạo: Phát triển tầm nhìn chuyển đổi số về cách thức quản lý, điều hành, kinh doanh được tối ưu hoá để mang lại giá trị cho đối tác, khách hàng và nhân viên.
Chuyển dịch về dịch vụ cung cấp tới khách hàng
Di động: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thuê bao data đặc biệt với các thị trường tỉ lệ thâm nhập data còn thấp so với trung bình khu vực và thế giới.
Nội dung số: Phát triển các dịch vụ giải trí số trên nền data phục vụ cho các thuê bao viễn thông để kích thích tiêu dùng data.
Dịch vụ CNTT: Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ số hóa dành cho doanh nghiệp và dịch vụ chính phủ điện tử.
CÐBR và Truyền hình: Tận dụng lợi thế về hạ tầng cáp quang để đẩy mạnh phát triển thuê bao CĐBR (doanh nghiệp và hộ gia đình), đồng thời cung cấp dịch vụ truyền hình số tương tác để có thể đưa ra các gói combo với CĐBR giúp thu hút khách hang.
Tài chính điện tử: Phát triển dịch vụ ví điện tử và các dịch vụ liên quan đến ví như chuyển tiền, tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô trên nền di động.
Chuyển dịch chiến lược về tập khách hàng
Dựa trên quy mô (số lượng và giá trị), tiềm năng phát triển và hành vi của khách hàng để phân chia các nhóm thành các phân khúc khác nhau và đưa ra các dịch vụ phù hợp, thiết thực từ 5 hướng chính của hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ. Mỗi phân khúc khách hàng sẽ là một đơn vị kinh doanh (Business Unit) với mục tiêu lỗ và lãi rõ ràng để có thể khai thác triệt để tập khách hàng và kinh doanh hiệu quả.
Chuyển dịch chiến lược tối ưu hóa đầu tư
Thận trọng, chắc chắn trong việc lựa chọn, quyết định xúc tiến, mở rộng thị trường mới khi có cơ hội. Bên cạnh việc tìm kiếm mở rộng đầu tư thêm thị trường mới, Viettel Global nghiên cứu các phương án đầu tư, mua bán sáp nhập với các công ty công nghệ phù hợp với định hướng phát triển của Viettel Global và các công ty thị trường để đa dạng hoá hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ, củng cố lợi thế cạnh tranh cho các thị trường hiện tại.