Lịch sử giá cổ phiếu TIS và những thông tin cần biết
Cổ phiếu TIS là của công ty nào?
Cổ phiếu TIS của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên được giao dịch trên sàn UPCoM.
Thông tin khái quát về Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên
Tên tiếng Việt: Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên
Tên tiếng Anh: Thai Nguyen Iron And Steel Joint Stock Corporation
Tên viết tắt: TISCO
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 4600100155 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cấp ngày 24/6/2009; đăng ký thay đổi lần thứ 10 ngày 14/4/2020.
Vốn điều lệ: 1.840 tỷ đồng.
Địa chỉ trụ sở chính: Phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên
Số điện thoại: 0208.3832236
Số Fax: 0208.3832056
Website: www.tisco.com.vn
Mã cổ phiếu: TIS
Ngành nghề kinh doanh: Khai thác, thu mua quặng sắt, than, quặng Quắc zít, sản xuất giang thép; Vận hành và truyền tải điện, nước công nghiệp...
Quá trình hình thành và phát triển
Năm 1959: Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên, được thành lập năm 1959, là khu Công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép.
Năm 1963: Mẻ gang đầu tiên của Công ty ra lò đã đánh dấu mốc son quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của Công ty cũng như của ngành luyện kim Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cắt băng khánh thành lò cao số 1 - công trình đầu lòng của nền công nghiệp hiện đại luyện kim nước ta.
Năm 1964: Khánh thành xưởng thiêu kết công suất 12 vạn tấn/năm.
Năm 2000: Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Năm 2001: Công ty tổ chức khánh thành dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn I.
Năm 2002: Khởi công công trình Nhà máy cán thép Thái Nguyên 300.000 tấn/năm.
Năm 2007: Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tới dự và phát lệnh khởi công dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Năm 2009: Công ty chính thức chuyển sang hoạt động dưới hình thức Công ty cổ phần.
Năm 2011: Chính thức đăng ký giao dịch tại sàn giao dịch UPCoM với mã cổ phiếu TIS.
Ai là cổ đông nắm giữ nhiều cổ phiếu TIS nhất?
Khối lượng cổ phiếu TIS đang được niêm yết trên sàn UPCoM là 184.000.000 cổ phiếu.
Cổ đông đang nắm giữ nhiều cổ phiếu TIS nhất hiện nay là Tổng Công ty Thép Việt Nam - Công ty cổ phần với 119.600.000 cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 42,11%. Cổ đông sở hữu nhiều cổ phiếu TIS thứ hai là Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng với 36.800.000 cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 12,96%; tiếp theo là cổ đông Lê Thành Thực với 14.144.800 cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 4,98%.
Lịch sử giá cổ phiếu TIS qua các năm
Lịch sử giá cổ phiếu TIS
Nhìn chung, giá cổ phiếu TIS biến động rất trồi sụt kể từ khi được giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2011. Từ tháng 10/2021 đến nay, giá cổ phiếu TIS giữ xu hướng giảm dần.
Giá cổ phiếu TIS cao nhất là bao nhiêu?
Giá cổ phiếu TIS cao nhất là 17.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/10/2021 (tính theo giá điều chỉnh).
Giá cổ phiếu TIS thấp nhất là bao nhiêu?
Giá cổ phiếu TIS thấp nhất là 2.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 10/10/2013 (tính theo giá điều chỉnh).
Có nên mua cổ phiếu TIS hay không?
Tình hình kinh doanh của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên
Trong năm 2020, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đạt 9.556 tỷ đồng, tăng 98% so với doanh thu thuần năm 2019. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế của TIS cũng đạt 18,2 tỷ đồng, tăng 45% so với lợi nhuận sau thuế năm 2019.
Lũy kế cả năm 2021, TIS đạt 12.858 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 122,7 tỷ đồng, cao gấp hơn 13 lần cùng kỳ năm ngoái – đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 5 năm qua của công ty.
Cần bao nhiêu tiền để mua cổ phiếu TIS?
Sàn UPCoM chỉ cho phép mua tối thiểu 100 cổ phiếu/lần mua. Với giá cổ phiếu TIS tại ngày 28/01/2022 là 10.800 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư cần chi ra ít nhất 1.080.000 đồng/lần mua.
Định hướng phát triển của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên
Tiếp tục thực hiện toàn diện và đi về chiều sâu các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh,bao gồm 3 mảng chính là tái cơ cấu lại tổ chức lao động, cải tiến thiết bị công nghệ và tối ưu hóa quản trị nội bộ để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Tiếp tục thực hiện đấu giá, chào giá cạnh tranh khâu bốc xúc, vận tải, thuê khai thác tại các mỏ để minh bạch và tối ưu hóa chi phí. Tiếp tục khai thác sử dụng hiệu quả nhiên liệu thay thế như khí than lò cốc, khí lò cao, dầu cốc, ...
Cân đối nguyên liệu cho sản xuất dựa trên kế hoạch tổng thể cả năm và cụ thể từng quý, từng tháng. Duy trì tồn kho vật tư, nguyên liệu và thành phẩm ở mức tối thiểu hợp lý. Quản lý và kiểm soát tốt việc thực hiện mua sắm vật tư cả về số lượng, chất lượng, giá cả và tồn kho của các đơn vị. Tập trung ổn định chất lượng cốc cho sản xuất, duy trì vận hành ổn định các lò cao, phát huy tối đa năng suất, tăng lợi thế cho sản xuất luyện thép.