Lịch sử giá cổ phiếu DRC và những thông tin cần biết
Cổ phiếu DRC là của công ty nào?
Cổ phiếu DRC của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng được giao dịch trên sàn HoSE.
Thông tin khái quát Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng
Tên tiếng Anh: Da Nang Rubber Joint Stock Company
Mã chứng khoán: DRC
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0400101531 đăng ký lần đầu ngày 31/12/2005, thay đổi lần thứ 14 ngày 04/11/2020.
Vốn điều lệ: 1.187.926.050.000 đồng.
Trụ sở chính: Lô G, Đường Tạ Quang Bửu, Phường Hòa Hiệp Bắc, Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
Số điện thoại: (0236) 3771 405
Số fax: (0236) 3771 400
Website: www.drc.com.vn
Ngành nghề kinh doanh: Sản xuất sản phẩm từ cao su, kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm cao su và vật tư thiết bị cho ngành công nghiệp cao su; Kinh doanh bất động sản; Cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác.
Quá trình hình thành và phát triển
Năm 1975: Nhà máy cao su Đà Nẵng ra đời, tiền thân từ một xưởng đắp vỏ xe ô tô của quân đội Chính quyền Sài Gòn.
Năm 2005: Công ty Cao su Đà Nẵng được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng theo Quyết định số 3241/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp.
Năm 2006: Cổ phiếu Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng được chính thức niêm yết và giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM với vốn điều lệ 92.475.000.000 đồng.
Năm 2007: Niêm yết bổ sung số cổ phiếu phát hành để chi trả cổ tức, nâng tổng vốn điều lệ lên 130.385.520.000 đồng.
Năm 2008: Phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông, vốn điều lệ lên 153.846.240.000 đồng.
Năm 2013: Tăng vốn điều lệ lên 830.738.490.000 đồng. Đưa vào khai thác nhà máy lốp Radial toàn thép đầu tiên tại Việt Nam, giai đoạn 01 công suất 300.000 lốp/năm.
Năm 2015: Phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức, nâng vốn điều lệ lên 913.800.030.000 đồng. Tổ chức lại Công ty, phát triển các phòng chức năng: Thành lập phòng Kế hoạch trên cở sở tách bộ phận Kế hoạch từ phòng Kế hoạch – Vật tư; Thành lập phòng nghiên cứu phát triển (R&D) trên cơ sở tách bộ phận nghiên cứu và phát triển từ phòng Kỹ thuật Cao su.
Năm 2017: Sản lượng sản xuất thực tế vượt công suất thiết kế giai đoạn 1 nhà máy lốp Radial.
Năm 2018: Phát triển thương hiệu mới DPlus – lốp xe máy không săm.
Năm 2019: Sau 2 năm nghiên cứu thị trường, từ quý II/2019, DRC đã bắt đầu xuất khẩu mạnh vào Mỹ với số lượng 10.000 lốp/tháng, chiếm 20% sản lượng lốp Radial.
Năm 2020: Là mốc quan trọng khi Công ty vừa tròn 45 tuổi kể từ khi thành lập từ năm 1975. Được ghi dấu bằng sự ra đời chiếc lốp đặc chủng (OTR) radial đầu tiên và đầu tư thêm dây chuyền sản xuất radial tải nhẹ công suất 120.000 lốp/năm. Định hướng phát triển thương hiệu DSTAR phân khúc lốp xe tải, xe khách đường dài dựa trên nền tảng công nghệ Châu Âu BDE chính thức hoàn thiện.
Ai là cổ đông nắm giữ nhiều cổ phiếu DRC nhất?
Khối lượng cổ phiếu DRC đang được niêm yết trên sàn HoSE là 118.792.605 cổ phiếu.
Cổ đông nắm giữ nhiều cổ phiếu DRC nhất hiện nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với 59.999.358 cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 50,51%. Cổ đông sở hữu nhiều cổ phiếu DRC thứ hai là KWE Beteilgungen AG với 5.580.775 cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 4,7%, tiếp theo là bà Phạm Thị Hồng Hội - vợ của Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Hiệu - với tỷ lệ sở hữu 2,76%.
Lịch sử giá cổ phiếu DRC qua các năm
Lịch sử giá cổ phiếu DRC
Giá cổ phiếu DRC đã chứng kiến nhiều sóng tăng-giảm nhưng nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng qua từng giai đoạn. Từ tháng 8/2020 đến nay, giá cổ phiếu DRC tăng mạnh.
Giá cổ phiếu DRC cao nhất là bao nhiêu?
Giá cổ phiếu DRC cao nhất là 37.345 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/11/2021 (tính theo giá điều chỉnh).
Giá cổ phiếu DRC thấp nhất là bao nhiêu?
Giá cổ phiếu DRC thấp nhất là 1.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 16/12/2008 (tính theo giá điều chỉnh).
Có nên mua cổ phiếu DRC hay không?
Tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng
Năm 2020, Công ty đạt 3.818 tỷ doanh thu, giảm 5,38% so với năm 2019, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt 256 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch 4.360 tỷ doanh thu và 280 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, DRC đã thực hiện được 87,5% chỉ tiêu doanh thu và gần 114% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế. Trong đó, chỉ số kinh doanh DRC hiệu quả hơn nhờ chi phí khấu hao nhà máy Radial – Giai đoạn 1 giảm mạnh từ cuối tháng 8/2020. Sau quý II năm 2020, sản lượng Radial hồi phục mạnh mẽ đã tác động tích cực đến các chỉ số kinh doanh của DRC... Đặc biệt, trong xu hướng giá cao su tăng khá mạnh từ quý III/2020 đến quý IV/2020, DRC còn đang hưởng lợi từ lượng hàng tồn kho ở mức cao.
Trong 9 tháng năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DRC lần lượt đạt 3.233 tỷ đồng và 203,5 tỷ đồng, tăng 21,9% và 38,4% so với kết quả kinh doanh cùng kỳ năm 2020.
Cần bao nhiêu tiền để mua cổ phiếu DRC?
Sàn HoSE hiện nay chỉ cho phép mua tối thiểu 100 cổ phiếu/lần mua. Với giá cổ phiếu DRC tại ngày 16/01/2022 là 30.500 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư cần chi ra ít nhất 3.050.000 đồng/lần mua.
Định hướng phát triển của DRC
DRC đã và đang tiếp tục hướng tới mục tiêu đổi mới công nghệ, tập trung đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường nâng cao năng suất cũng như hoàn thiện các sản phẩm của Công ty, đặc biệt là 2 sản phẩm chủ lực là lốp Radial (sợi mảnh thép) và lốp Bias (sợi mảnh nylon).
Đối với lốp không săm Dplus, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục đẩy mạnh kênh phân phối và phát triển sản phầm, đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường phân phối cũng như ngày càng có nhiều chiến lược mới nhằm thu hút nhiều khách hàng tiềm năng.
Xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm, hệ thống phân phối và các chính sách phân phối hiệu quả. Trong điều kiện thuận lợi, xem xét khả năng liên kết với các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam xây dựng nhà máy lốp và cao su kỹ thuật để cung cấp sản phẩm ổn định.