Lịch sử giá cổ phiếu DPM và những thông tin cần biết
Cổ phiếu DPM là của công ty nào?
Cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - CTCP và được giao dịch trên sàn chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Thông tin khái quát về Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí
Tên giao dịch: Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP.
Giấy CNĐKDN số 0303165480.
Vốn điều lệ: 3.914.000.000.000 đồng.
Địa chỉ: 43 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM.
Điện thoại: +84.28 3825 6258.
Fax: +84.28 3825 6269.
Mã cổ phiếu: DPM.
Quá trình hình thành và phát triển
Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (nay là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP) là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 02/2003/QĐ-VPCP ngày 28/03/2003 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/01/2004.
Ngày 21/9/2004, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP đã tiếp nhận Nhà máy đạm Phú Mỹ từ Tổ hợp nhà thầu Technip - Samsung và chính thức quản lý, vận hành đưa sản phẩm phân urê thương hiệu Đạm Phú Mỹ ra thị trường.
Ngày 15/03/2007, Bộ Công nghiệp đã ra Quyết định số 793/QĐ-BCN về việc phê duyệt phương án và chuyển đổi Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí với 100% vốn nhà nước thành Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần.
Ngày 21/04/2007, Công ty đã thực hiện thành công việc chào bán 40% cổ phần ra công chúng tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM.
Ngày 30/06/2007, Công ty đã tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty cổ phần, thông qua Điều lệ công ty, bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và thông qua các kế hoạch kinh doanh sau khi Công ty cổ phần chính thức đi vào hoạt động.
Ngày 31/08/2007, Sở Kế hoạch Đầu tư TP. HCM đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký số 4103007696 và Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí chính thức đi vào hoạt động.
Ngày 29/10/2007, Công ty đã hoàn tất các thủ tục đăng ký niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) và ngày 05/11/2007, Công ty đã chính thức niêm yết 380 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE. Công ty niêm yết bổ sung 11,4 triệu cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) vào ngày 26/02/2016.
Ngày 05/04/2008, Đại hội đồng cổ đông thông qua đề án chuyển đổi từ Công ty Cổ phần thành Tổng công ty (mô hình công ty mẹ - công ty con).
Ngày 15/05/2008, Sở Kế hoạch Đầu tư TP. HCM đã cấp Giấy chứng nhận Đăng ký sửa đổi số 4103007696 cho Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP.
Ai là người đang nắm giữ nhiều cổ phiếu DPM nhất?
Khối lượng cổ phiếu DPM đang được niêm yết trên sàn HoSE là 391.400.000 cổ phiếu
Cổ đông sở hữu nhiều cổ phiếu DPM nhất hiện nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 233.204.253 cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 59,59%. Cổ đông nắm giữ nhiều cổ phiếu DPM thứ hai là Edgbaston Asian Equity Trust với tỷ lệ sở hữu 5,03% và tiếp theo là CTCP Lương thực vật tư nông nghiệp Nghệ An với tỷ lệ sở hữu là 4,79%.
Lịch sử giá cổ phiếu DPM qua các năm
Lịch sử giá cổ phiếu DPM
Giá cổ phiếu DPM đã chứng kiến khá nhiều sóng tăng-giảm đan xen kể từ khi được giao dịch trên sàn HoSE. Tới tháng 7/2021, giá cổ phiếu DPM đột nhiên tăng rất mạnh nhờ tín hiệu tích cực trong hoạt động kinh doanh và thị trường chung diễn biến khả quan.
Giá cổ phiếu DPM cao nhất là bao nhiêu?
Giá cổ phiếu DPM cao nhất là 54.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 10/11/2021 (tính theo giá điều chỉnh).
Giá cổ phiếu DPM thấp nhất là bao nhiêu?
Giá cổ phiếu DPM thấp nhất là 8.510 đồng/cổ phiếu vào ngày 27/12/2011 (tính theo giá điều chỉnh).
Có nên mua cổ phiếu DPM hay không?
Tình hình kinh doanh của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Việt Nam
Tổng tài sản của DPM tại ngày 31/12/2020 là 11.300 tỷ đồng, giảm 1% so với đầu năm. Lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm 32% so với đầu năm do khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng tăng 111% so với đầu năm.
Khoản nợ phải trả năm 2020 của DPM là 3.052 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm.
Các chỉ số tổng nợ/ tổng tài sản, tổng nợ/ vốn chủ sở hữu đều giảm so với năm 2019 và khả năng thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh năm 2020 vẫn duy trì ở mức cao và lớn hơn 1. Điều này cho thấy khả năng thanh toán các khoản nợ tốt, Tổng công ty không gặp áp lực về nợ khi đến hạn phải trả.
Số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán ghi nhận doanh thu thuần năm 2020 đạt gần 7.762 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019. Tuy nhiên nhờ chi phí giá vốn và các loại chi phí khác được tiết giảm, nên lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 80,5%, lên mức 702 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần của DPM đạt 7.813 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.503 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, DPM đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 365 tỷ đồng. Như vậy, Tổng công ty đã vượt kế hoạch năm 311%.
Cần bao nhiêu tiền để mua cổ phiếu DPM?
Sàn HoSE hiện nay chỉ cho phép mua tối thiểu 100 cổ phiếu/lần mua. Với giá cổ phiếu DPM tại ngày 12/11/2021 là 52.600 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư cần chi ra ít nhất 5.260.000 đồng/lần mua.
Định hướng phát triển của DPM
Giai đoạn 2021-2025, DPM đặt các mục tiêu sau:
Giữ vững thị phần các sản phẩm đã đạt được.
Tiêu thụ hết các sản phẩm sản xuất.
Doanh thu lĩnh vực hoá chất chiếm 70% tổng doanh thu.
Mở rộng thị trường phân bón ra Đông Bắc Á và Nam Á.
Tăng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm phân bón/hóa chất chuyên dụng so với giai đoạn 2016-2020.
Duy trì và phát triển các cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhà máy bao gồm: Nhà máy đạm Phú Mỹ, NPK và các NM hóa chất. Có ít nhất 02 sản phẩm phân bón chủ lực và 03 sản phẩm hóa chất chủ lực.
Nâng sản lượng SX NPK Phú Mỹ lên 500.000 tấn/năm.
Tiếp tục phát triển sản xuất các loại sản phẩm hóa chất, hóa dầu có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiến tới ngang bằng với lĩnh vực phân bón.
Duy trì và phát triển các dự án cải tiến sản phẩm, sản xuất phân bón/hóa chất chuyên dụng trên nền sản phẩm chủ lực (Urê, NPK).
Hoàn thành đúng tiến độ đầu tư dự án: NPK Phú Mỹ mở rộng (lên 500.000 tấn/năm).
Triển khai các bước chuẩn bị đầu tư các dự án phân bón (trên nền urê và NPK) và hóa chất mới.