Lịch sử giá cổ phiếu CTR và những thông tin cần biết
Cổ phiếu CTR là của công ty nào?
Cổ phiếu CTR của Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel được giao dịch trên sàn UPCoM.
Thông tin khái quát về Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel
Vốn điều lệ: 717.818.280.000 đồng.
Địa chỉ: Số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 086 2081111.
Website: www.viettelconstruction.com
Quá trình hình thành và phát triển
Giai đoạn 1995 – 2003: Thành lập Xí nghiệp khảo sát thiết kế và Xí nghiệp Xây lắp Công trình (tiền thân của Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel) trực thuộc Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội.
Xí nghiệp thi công móng cột và lắp dựng các cột anten trong nước, quốc tế như: cột anten 120 m Đài truyền hình Tuyên Quang, Cột anten 140 m Đài truyền hình Trung ương Lào, các cột anten cho Công ty Lào Telecom tại Viên Chăn.
Giai đoạn 2004 – 2009: Xí nghiệp xây lắp Công trình đổi tên thành Công ty Công trình Viettel.
Năm 2006: Quyết định chuyển đổi hình thức hoạt động từ Công ty hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập với tên giao dịch mới: Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Công trình Viettel.
Tháng 12/2007: thực hiện triển khai thi công mạng lưới tại Vương quốc Campuchia.
Giai đoạn 2010 – 2017: Năm 2010, Viettel Construction tập trung mạnh vào đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới 3G. Hạ tầng mạng 2G và 3G của Tập đoàn Viettel là mạng lớn nhất Việt Nam.
Ngày 15/01/2010, Bộ trưởng Bộ quốc phòng quyết định về việc chuyển đổi Công ty TNHH NN MTV Công trình Viettel thành Công ty Cổ phần Công trình Viettel.
Trong năm 2011, Công trình Viettel tổ chức lực lượng triển khai thi công tại Haiti.
Năm 2014: Thành lập 3 công ty tại thị trường nước ngoài là Cameroon, Burundi và Tanzania.
Năm 2015: Hoàn thiện thủ tục với Bộ Kế hoạch và đầu tư về cấp phép hoạt động tại 2 thị trường Lào và Myanmar.
Giai đoạn 2018 – 2020: Trở thành nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật trên nền tảng số hàng đầu Việt Nam.
Chính thức hoạt động trên 5 trụ kinh doanh chính: Đầu tư hạ tầng cho thuê, Xây dựng dân dụng, Công nghệ thông tin, Giải pháp Tích hợp và Vận hành Khai thác.
Ai là cổ đông nắm giữ nhiều cổ phiếu CTR nhất?
Khối lượng cổ phiếu CTR đang niêm yết trên sàn UPCoM là 92.923.873 cổ phiếu.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nắm giữ nhiều cổ phiếu CTR nhất với 47.130.037 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,72%.
Xếp sau là cổ đông Bùi Thế Hùng là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel với tỷ lệ sở hữu 0,11%; cổ đông Lê Hữu Hiền là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel với tỷ lệ sở hữu 0,07%.
Lịch sử giá cổ phiếu CTR qua các năm
Lịch sử giá cổ phiếu CTR
Giá cổ phiếu CTR biến động khá trồi sụt kể từ khi giao dịch trên sàn UPCoM. Giá cổ phiếu CTR đi ngang khi mới lên sàn. Từ quý II năm 2019, giá cổ phiếu CTR tăng mạnh, sau đó tạo đỉnh ngắn hạn vào tháng 3 năm 2021. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu CTR giữ xu hướng tăng.
Tại ngày 12/11/2021, giá cổ phiếu CTR là 82.400 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu CTR thấp nhất là bao nhiêu?
Giá cổ phiếu CTR thấp nhất là 9.880 đồng/cổ phiếu tại ngày 03/11/2017 (tính theo giá điều chỉnh).
Giá cổ phiếu CTR cao nhất là bao nhiêu?
Giá cổ phiếu CTR cao nhất là 90.800 đồng/cổ phiếu tại ngày 19/10/2021 (tính theo giá điều chỉnh).
Có nên mua cổ phiếu CTR không?
Tình hình kinh doanh của CTR
Tổng doanh thu hợp nhất năm 2020 đạt 6.380 tỷ đồng, hoàn thành 106% kế hoạch, tăng trưởng 25,2% so với năm 2019.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2020 đạt 274,2 tỷ đồng hoàn thành 138% kế hoạch, tăng trưởng 51,6% so với năm 2019.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, Viettel Construction đạt doanh thu 5.464 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 245,3 tỷ đồng, tăng trưởng 46%.
Cần bao nhiêu tiền để mua cổ phiếu CTR?
Sàn UPCoM chỉ cho phép mua tối thiểu 100 cổ phiếu/lần mua. Với giá cổ phiếu CTR tại ngày 12/11/2021 là 82.400 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư cần chi ra ít nhất 8.240.000 đồng/lần mua.
Định hướng phát triển của CTR
CTR đặt mục tiêu doanh thu đến năm 2025 đạt 15.000 tỷ đồng.
CTR đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành công ty đầu tư và cho thuê hạ tầng hàng đầu Việt Nam; mở rộng cung cấp dịch vụ xây dựng, vận hành khai thác ra ngoài Tập đoàn Viettel và thị trường nước ngoài; phát triển các giải pháp năng lượng sạch, cơ điện thông minh.
Để đạt được mục tiêu này, Công ty xây dựng các chương trình hành động cân bằng/toàn diện về con người – quy trình – công nghệ - quản trị, cụ thể:
Con người
Lấy con người làm trọng tâm, là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, đề cao mỗi con người, mỗi vị trí trong Tổng Công ty đều là những người phù hợp nhất.
Xây dựng và học tập theo 6 phẩm chất của người Công trình Viettel: Tâm thế tốt nhất; Kỷ luật nghiêm nhất; Tri thức tốt nhất; Thích ứng nhanh nhất; Thực thi tốt nhất; Hiệu quả cao nhất.
Nâng cao chất lượng nguồn lực qua việc: Tăng cường tuyển dụng nhân sự key, nhân sự năng suất lao động cao; Xây dựng Công ty thành tổ chức học tập, hướng đến mỗi người tự ý thức chủ động học tập nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công việc.
Chuyên nghiệp việc đào tạo, đánh giá CBNV tạo động lực cống hiến, gắn bó lâu dài: Xây dựng lộ trình học tập, bài giảng điện tử, video best practice; Ứng dụng KPI BSC (banlace score card) để đo lường hiệu quả công việc của từng nhân sự; Áp dụng cơ chế khoán lương, cơ chế lương theo tư vấn của HAY Group.
Quy trình
Các lĩnh vực kinh doanh đều hoạt động dựa trên quy trình lõi với các công cụ, phần mềm hỗ trợ.
Vận hành theo tiêu chuẩn ISO: ISO 45001:2018; ISO 27001:2013; ISO 31000: 2018; ISO 20000-1:2018; ISO 9001:2015; ISO 55001:2014; ISO 10002:2015.
Áp dụng Lean Six Sigma trong việc cải tiến quy trình, loại bỏ lãng phí, tối ưu chi phí để tạo nên một hệ thống chất lượng.
Công nghệ
Công cụ: 100% CBNV khối sản xuất trực tiếp được trang bị đầy đủ công cụ cứng phục vụ công việc nhằm đạt năng suất cao nhất; 90% nghiệp vụ SXKD đã được công cụ hóa, định hướng đến 2023, 95% các nghiệp vụ SXKD được quy trình và công cụ hóa.
Chuyển đổi số: Tạo môi trường, văn hoá thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nội bộ Công ty. Mục tiêu năm 2021 chuyển đổi số đạt level 4,5-5 theo TMForum.
Công nghệ mới: Công ty tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ theo định hướng thông minh, thân thiện với môi trường, khách hàng cùng với việc kết hợp cùng nền tảng kho dữ liệu data ware house đem lại các giải pháp kinh doanh hiệu quả, đáng tin cậy và những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Quản trị
Quản trị công ty thông qua tuân thủ Bộ quy tắc Quản trị Công ty (QTCT) của Việt Nam.
Nâng cao hiệu quả quản trị ngành dọc: Duy trì KPIs ngành dọc, liên tục cải tiến kênh thông tin, đồng bộ dữ liệu, số hóa trong các hoạt động quản trị.
Viettel Construction xây dựng bộ máy cán bộ nhân viên, bộ máy kế cận kế tiếp từ cấp Quận/huyện trở lên, trên tinh thần người kỹ thuật làm được kinh doanh và làm được quản lý (3 trong 1).