Bài 2: Quản lý rủi ro trong tuân thủ thuế: Những thách thức phải đối mặt
Theo số liệu quản lý thuế năm 2022, cả nước có 3,1 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trong đó số lượng hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định là 1,9 triệu hộ (trong đó hộ khoán là 1,8 triệu và 90 nghìn hộ kê khai); số lượng cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh là 74,8 nghìn, số lượng cá nhân cho thuê tài sản là 77,7 nghìn; số lượng cá nhân kê khai, nộp thuế qua các tổ chức xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp là 1 triệu. Số lượng cá nhân phát sinh thu nhập là khoảng 29 triệu, trong đó có số thuế thuộc diện khấu trừ là khoảng 7 triệu.
Nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao cho ngành Thuế thực hiện hàng năm là rất lớn, bình quân khoảng gần 1,5 triệu tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng trên 83% trên tổng thu ngân sách. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam.
Trong khi đó, quản lý rủi ro (QLRR) mới được nghiên cứu triển khai áp dụng tại một số nghiệp vụ quản lý thuế đơn lẻ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác quản lý thuế (công tác lựa chọn NNT có rủi ro để xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra, phân loại hồ sơ hoàn thuế và quản lý hóa đơn), chưa xây dựng được hệ thống thống nhất về QLRR, quản lý tuân thủ nên chưa xây dựng và triển khai chương trình QLRRTT tổng thể về thuế.
Cùng với đó, hồ sơ, dữ liệu thuế ngày càng lớn, đòi hòi thời gian, nhân lực đáp ứng công tác quản lý thuế ngày một cao. Hệ thống hóa đơn điện tử đã tiếp nhận, quản lý hơn 7 tỷ hóa đơn điện tử; Số lượng hồ sơ khai thuế (tổ chức, cá nhân) hơn 155 triệu hồ sơ khai thuế; Số lượng Báo cáo tài chính doanh nghiệp và quyết toán thuế TNDN hơn 16,2 triệu,... Tình trạng trốn thuế, gian lận thuế còn phổ biến, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, nguồn lực triển khai nhiệm vụ QLRR, quản lý tuân thủ còn hạn chế. Đó là cơ chế, chính sách về QLRR mặc dù đã được ban hành khá đầy đủ, nhưng chưa thực sự đồng bộ, thống nhất.
Hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế TNCN)... trong khi lực lượng cán bộ thuế còn hạn chế tạo nên thách thức trong quản lỷ rủi ro.
Cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như việc trao quyền và trách nhiệm thực hiện QLRR chưa phù hợp, chưa tương xứng với công tác QLRR trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề QLRR là xu hướng tất yếu trong quản lý thuế hiện đại, đảm bảo liên kết, điều phối xuyên suốt trong các hoạt động nghiệp vụ thuế, nhưng việc sắp xếp tổ chức bộ máy QLRR trong ngành Thuế còn chưa phù hợp với thực tế triển khai công việc.
Việc đánh giá rủi ro đối với NNT còn hạn chế, mới dừng ở nhận diện, các trường hợp có rủi ro cao về thuế cần can thiệp bằng những nghiệp vụ như thanh tra, kiểm tra thuế, cưỡng chế nợ thuế… riêng lẻ ở một số chức năng quản lý thuế. Chưa xây dựng được chương trình rủi ro tuân thủ tổng thể về thuế để đánh giá rủi ro trong tất cả các khâu, chức năng quản lý thuế.
Công tác thu thập, xử lý thông tin còn hạn chế về phạm vi, mức độ chuyên sâu, chưa tập trung hóa về đầu mối để đảm bảo việc xây dựng, quản lý và điều phối tập trung thống nhất. Việc trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và các cơ quan trong và ngoài ngành còn nhiều hạn chế, bất cập gây khó khăn cho việc thu thập, trao đổi thông tin giữa các bên.
Theo nhiều chuyên gia, yếu tố cốt lõi trong quản lý tuân thủ dựa trên rủi ro chính là phân loại người nộp thuế (NNT), thực hiện các biện pháp quản lý thuế phù hợp. Từ đó nâng cao ý thức tuân thủ của NNT, hướng đến tuân thủ tự nguyện.
Do đó, cơ quan thuế phải hoàn thiện cơ chế áp dụng QLRR tuân thủ trong quản lý thuế thông qua việc xây dựng và kiện toàn bộ phận QLRR về thuế thuộc Tổng cục Thuế nhằm nâng cao thẩm quyền, địa vị pháp lý và năng lực, nguồn nhân lực để triển khai sâu, rộng, toàn diện, tập trung, có hiệu quả công tác QLRR (với nhiệm vụ tham mưu xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý, tiêu chí, quy trình, quy định về QLRR theo hướng tự động hóa) đáp ứng yêu cầu phát triển, hiện đại hóa ngành Thuế và nâng cao tính tuân thủ của NNT.
Xây dựng Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng QLRR tuân thủ tổng thể trong quản lý thuế. Bộ CSTC được thực hiện trên cơ sở đánh giá việc xây dựng, triển khai thực hiện các Bộ chỉ số tiêu chí trong những năm vừa qua.
Thực hiện phân đoạn NNT để có biện pháp quản lý phù hợp, từng bước nâng cao tính tuân thủ của NNT. Theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng các nhóm đối tượng NNT khác nhau có những đặc điểm và hình thái tuân thủ riêng, đòi hỏi phải thiết kế các kế hoạch nâng cao tuân thủ tùy chỉnh cho từng nhóm. Tại Việt Nam, ngành thuế cũng đang phân đoạn NNT thành 2 nhóm: nhóm NNT là tổ chức, doanh nghiệp và nhóm NNT là cá nhân, hộ kinh doanh để áp dụng QLRR và xây dựng các kế hoạch nâng cao tuân thủ.
Triển khai xây dựng “Hệ thống ứng dụng cơ sở dữ liệu và phân tích rủi ro tổng thể” trên cơ sở nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích dữ liệu số lớn, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, học máy vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ NNT.
Nghiên cứu sửa đổi bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý thuế, pháp luật về QLRRTT của NNT nhằm thúc đẩy sự tuân thủ của NNT. Căn cứ vào mức độ tuân thủ của NNT cơ quan thuế xác định mức độ ưu tiên NNT trong việc kê khai thuế, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, hoàn thuế, sử dụng hóa đơn; ưu tiên về hỗ trợ thuế; tuyên dương NNT;… Có chính sách ưu tiên, hỗ trợ khen thưởng, chế tài xử phạt rõ ràng đối với từng mức độ tuân thủ của NNT theo các cách phân đoạn NNT nêu trên.
Hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử và thông tin chung về NNT phục vụ cho công tác phân tích rủi ro nói riêng và công tác quản lý thuế nói chung.
Phân tích, đánh giá rủi ro, xây dựng kế hoạch và chuyên đề thanh tra, kiểm tra trọng điểm hàng năm để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm góp phần nâng cao tính tuân thủ của NNT.