Chủ nhật, 08/12/2024, 01:38 AM
Xã Hội   •   Thứ hai, 01/04/2024, 11:30 AM  •  01/04/2024, 11:30

Đề xuất sửa quy định thuế VAT đối với doanh nghiệp chế xuất

Bà Nguyễn Hải Vân, Phó giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng, hiện nay doanh nghiệp chế xuất đang gặp một số vướng mắc khi áp dụng thuế VAT đặc biệt hoàn thuế. Do đó, trong dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) cần xem xét, nghiên cứu và sửa đổi quy định cho phù hợp.

Bà Nguyễn Hải Vân, Phó giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam đã chia sẻ với Tạp chí Tài chính doanh nghiệp về một số vấn đề cộng đồng doanh nghiệp có nhiều vướng mắc trong thời gian qua về cơ chế áp dụng và hoàn thuế VAT đặc biệt là đối với doanh nghiệp chế xuất (DNCX), và phương án tháo gỡ tại dự thảo Luật thuế VAT (sửa đổi) lần này.

Thưa bà Nguyễn Hải Vân, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình áp dụng và hoàn thuế VAT, vậy theo bà những vướng mắc này có thể được giải quyết tại dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) hay không?

Vấn đề áp dụng và hoàn thuế VAT hiện nay có thể phân thành ba loại chính: hoàn thuế VAT cho hoạt động xuất khẩu, hoàn thuế VAT cho dự án đầu tư, và các loại khác (như hoàn theo chương trình, dự án ODA, theo Điều ước quốc tế…).

Qua nghiên cứu của chúng tôi, dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) đã cơ bản giải quyết được một số vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp về vấn đề hoàn thuế VAT (quy định tại Điều 13 Luật thuế VAT hiện hành), như làm rõ quy định về các trường hợp hoàn thuế của dự án đầu tư, trách nhiệm của cơ quan thuế và người nộp thuế trong quá trình hoàn thuế….

Tuy nhiên, với kinh nghiệm thực tiễn của Deloitte Việt Nam, một số vấn đề về thuế VAT áp dụng với doanh nghiệp chế xuất (DNCX), loại hình doanh nghiệp được áp dụng chính sách thuế của khu phi thuế quan được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn khi thành lập dự án đầu tư tại Việt Nam, vẫn cần phải nghiên cứu để có hướng xử lý phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại khi nhiều DNCX vẫn đang gặp khó khi áp dụng chính sách thuế VAT.

Theo bà, các doanh nghiệp chế xuất đang vướng các quy định gì trong Luật thuế VAT?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc của DNCX khi áp dụng chính sách thuế VAT là sự thiếu nhất quán trong quy định điều chỉnh hoạt động của DNCX ở các văn bản quy phạm khác nhau, bao gồm Luật Đầu tư và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP, Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn, Luật thuế VAT và các văn bản hướng dẫn.  

Luật Đầu tư hiện hành và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đã thể hiện rõ tinh thần của các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế khi quy định DNCX được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan, bên cạnh hoạt động chính là chế xuất, đồng thời đảm bảo tuân thủ các điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. Điều này có nghĩa là, đối với các hoạt động khác như hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ… của DNCX sẽ thuộc đối tượng kê khai, tính nộp thuế VAT và thực tế DNCX có các hoạt động đó vẫn đăng ký kê khai, tính nộp thuế VAT với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, về góc độ quy định, khi đối chiếu với Luật Hải quan, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế VAT hiện hành và các văn bản hướng dẫn, hiện vẫn chưa có quy định hoặc quy định chưa nhất quán để áp dụng chính sách thuế VAT trên thực tiễn cho các hoạt động khác nhau của DNCX trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Cụ thể, Luật thuế VAT hiện hành chưa quy định rõ ràng trường hợp DNCX được đăng ký/áp dụng phương pháp khấu trừ thuế VAT (làm cơ sở cho DNCX có thể áp dụng hoàn thuế) trong trường hợp DNCX có cả hoạt động chế xuất và ngoài chế xuất. Nguyên do đến từ việc cơ quan quản lý hiện tại coi DNCX là khu phi thuế quan, không thuộc đối tượng nộp thuế VAT, quan hệ giữa DNCX và DN nội địa là hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, chưa có cơ chế rõ ràng về việc xử lý hoàn thuế VAT cho DNCX đối với số thuế VAT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản trước thời điểm doanh nghiệp đáp ứng điều kiện về kiểm tra, giám sát hải quan; cũng như cơ chế quản lý đối với hàng hóa của doanh nghiệp ở giai đoạn trước và sau khi được công nhận đáp ứng các điều kiện của DNCX, nếu trên thực tiễn doanh nghiệp đã phải nộp thuế VAT khi nhập khẩu hàng hóa, tài sản cố định trong giai đoạn này.

Theo bà, những đề xuất điều chỉnh của Dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) đã giải quyết được vấn đề nêu trên hay chưa?

Trong nội dung sửa đổi Luật thuế VAT, nhóm đối tượng áp dụng thuế suất VAT 0% (áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu) đã bị thu hẹp và thậm chí đã loại bỏ nhóm dịch vụ cung cấp cho DNCX. Vô hình trung, các doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ cho DNCX sẽ phải xuất hóa đơn GTGT 10%. Vấn đề này đi ngược lại nguyên lý địa điểm tiêu dùng trong thuế VAT (cung cấp cho khu phi thuế quan, tương đương xuất khẩu), dẫn tới DNCX phải ghi nhận giá trị thuế VAT lớn vào chi phí (vì không có cơ chế hoàn. Hệ quả là dòng tiền của các DNCX bị ảnh hưởng, sức cạnh tranh giảm, dẫn đến tình trạng lỗ do tỷ suất lợi nhuận thường nhỏ hơn 10%. Việc loại bỏ nhóm dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan ngay lập tức sẽ gây nên ảnh hưởng tài chính sâu rộng và tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động kinh doanh đã lựa chọn chuyển đổi loại hình từ doanh nghiệp không hưởng chính sách DNCX thành DNCX. Trường hợp này, doanh nghiệp phát sinh số dư thuế VAT đầu vào lớn chưa được khấu trừ chuyển kỳ sau cần xử lý và làm hồ sơ xin hoàn thuế VAT.

Tuy nhiên, do Luật thuế VAT hiện nay không có cơ chế rõ ràng để xử lý thuế đối với trường hợp hoàn thuế trong giai đoạn chuyển đổi và sau khi trở thành DNCX, doanh nghiệp không được hoàn thuế và đồng thời không thể tiếp tục khấu trừ thuế VAT đầu vào sau chuyển đổi. Số dư thuế VAT đầu vào buộc phải ghi nhận một lần vào chi phí trong kỳ hoặc vốn hóa vào nguyên giá tài sản cố định, dẫn đến tăng chi phí trong năm tính thuế của doanh nghiệp, tăng giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng đến biên độ lợi nhuận và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là nội dung cần được cân nhắc bổ sung vào Dự thảo Luật thuế VAT (sửa đổi) trước khi được xem xét thông qua trong thời gian tới.

Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội, ngành hàng bày tỏ mong muốn được tháo gỡ về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ (XNKTC) và vướng mắc xử lý hoàn thuế VAT liên quan, bà có thể chia sẻ về vấn đề này?

Luật thuế VAT hiện hành và các văn bản hướng dẫn đã đưa ra quy định chung về nguyên tắc hoàn thuế VAT đối với hoạt động xuất khẩu, bao gồm giao dịch XNKTC. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện giao dịch XNKTC đối với hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam, nhiều trường hợp người nộp thuế không được giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT đối với các giao dịch XNKTC do không thỏa mãn điều kiện về hiện diện thương mại nhưng đã thực hiện thủ tục hải quan XNKTC trong giai đoạn quá khứ.

Hiện tại, chưa có cơ sở pháp lý hướng dẫn về căn cứ và thủ tục rõ ràng để xác định thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam như thế nào, và cơ quan chức năng nào có thẩm quyền quản lý hoặc xác minh, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế, cơ quan hải quan trực tiếp xử lý các giao dịch liên quan.

Hơn nữa, hiện nay Bộ Tài chính đang chủ trì lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có quy định về XNKTC tại Điều 35 của Nghị định. Các phương án sửa đổi quy định về XNKTC mà Bộ Tài chính đề xuất cũng liên quan trực tiếp đến chính sách thuế VAT, hải quan, quản lý ngoại thương và thương mại, đồng thời chưa đạt được đồng thuận giữa các bộ chuyên ngành, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Vậy theo bà, giải pháp cho các vấn đề trên như thế nào?

Thời điểm dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi và các văn bản hướng dẫn đang được lấy ý kiến để hoàn thiện như hiện nay là phù hợp để Quốc hội và Chính phủ đánh giá tổng thể và đề xuất các quy định có thể giải quyết được những vướng mắc áp dụng thuế VAT trên thực tiễn, trên cơ sở vừa đảm bảo đạo lý chính sách của thuế gián thu, vừa công bằng cho doanh nghiệp và áp dụng nhất quán cho toàn bộ chuỗi cung ứng, hài hòa với pháp luật về thương mại, đầu tư, và xuất nhập khẩu.

PV
Theo Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Thanh Vỹ làm Phó cục trưởng Cục Thuế Nghệ An

Xã Hội   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:14 PM
Cục Thuế Nghệ An vừa tổ chức lễ Công bố quyết định của Tổng cục Thuế về việc bổ nhiệm Phó cục trưởng Cục Thuế Nghệ An.

Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước

Xã Hội   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:13 PM
Sáng nay (7/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 trong đó có Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Bà Chu Thanh Hường giữ chức Phó cục trưởng Cục Thuế Bắc Giang

Xã Hội   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:12 PM
Tổng cục Thuế quyết định bổ nhiệm bà Chu Thanh Hường - Trưởng phòng Kê khai và Kế toán thuế, Cục Thuế Bắc Giang giữ chức Phó cục trưởng Cục Thuế Bắc Giang.

Các di tích lịch sử - văn hóa thu 4.100 tỷ đồng tiền công đức

Xã Hội   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:11 PM
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số tiền thực thu tiền công đức, tài trợ trong năm 2023 của các di tích lịch sử - văn hóa là 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo).

Năm 2024, TKV được giao tổng doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm

Xã Hội   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:11 PM
Theo quyết định của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2024 Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao chỉ tiêu tổng doanh thu là 178.600 tỷ đồng (cao hơn năm 2023 hơn 15.000 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 2.584 tỷ đồng (thấp hơn 500 tỷ đồng).