VIB được chấp thuận tăng vốn thêm tối đa 4.437 tỷ đồng
Theo đó, VIB được chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 4.437,6 tỷ đồng từ mức 11.093 tỷ đồng, bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Theo kế hoạch tăng vốn được ĐHCĐ thường niên năm 2021 thông qua, VIB dự kiến dùng hơn 4.437 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ để tăng quy mô vốn lên tối đa là hơn 15.531 tỷ đồng, tương ứng số cổ phần tăng thêm là trên 443 triệu đơn vị.
Sau khi thực hiện tăng vốn bằng hình thức này, VIB dự kiến chào bán tối đa hơn 46,5 triệu cổ phiếu. Mức vốn điều lệ sau khi chào bán tối đa đạt hơn 15.997 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện NHNN mới chỉ chấp thuận cho VIB tăng vốn thêm tối đa là 4.437 tỷ đồng, nên phương án trên vẫn cần trình xin ý kiến của NHNN.
Số tiền huy động được dự kiến dùng 4.403 tỷ đồng để tăng cường cấp tín dụng, số còn lại để đầu tư tài sản thanh khoản, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản phẩm, năng lực quản trị rủi ro, đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh.
Kết thúc quý I/2021, thu nhập lãi thuần của VIB đạt 2.778 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2020.
Thu nhập ngoài lãi của VIB đều ghi nhận tăng trưởng so với quý I/2020. Trong đó hoạt động dịch vụ mang về cho VIB hơn 608 tỷ đồng lãi thuần, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư mang về hơn 56 tỷ đồng.
Thu nhập ngoài lãi của VIB đều ghi nhận tăng trưởng so với quý I/2020. Trong đó hoạt động dịch vụ mang về cho VIB hơn 608 tỷ đồng lãi thuần, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư mang về hơn 56 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong quý I của VIB tăng mạnh 32% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1.360 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp đôi lên 334 tỷ đồng.
Dù các loại chi phí tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận trước thuế quý I của VIB vẫn đạt được tăng trưởng 68%, thu về 1.806 tỷ đồng.
Cổ phiếu VIB đóng cửa phiên 7/5 ở mức giá 58.700 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 65.100 tỷ đồng.