Nội dung và mức chi cho quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính cơ bản đầy đủ
Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận do Ban Dân nguyện chuyển tới tại Công văn số 742/BDN ngày 07/7/2023. Theo đó, cử tri cho rằng, Thông tư số 19/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định cụ thể nội dung chi (Điều 3) và mức chi (Điều 4) về kinh phí và các điều kiện, phương tiện đảm bảo hoạt động cho việc quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính, nên quá trình thực hiện ở địa phương còn khó khăn. Do vậy, cử tri kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung này để địa phương thuận tiện trong việc triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, đúng quy định.
Trả lời cử tri tỉnh Ninh Thuận, Bộ Tài chính cho biết, Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính giao Bộ Tài chính “chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn, bảo đảm kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật NSNN”. Theo đó, ngày 28/02/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 19/2017/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; trong đó quy định các nội dung chi để thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Ngày 23/12/2021, căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; trong đó nội dung quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được quy định từ Điều 29 đến Điều 35 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát quy định mới của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP và đến ngày 31/12/2021, Bộ Tư pháp có Báo cáo số 320/BC-BTP rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo phụ lục kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật kèm theo Báo cáo số 320/BC-BTP thì không có đề xuất về nội dung, mức chi cho công tác quản lý nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 19/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các thông tư quy định về kinh phí liên quan đến nội dung quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính như: Thông tư số 338/2018/TT-BTC ngày 28/12/2016 quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật (thay thế Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14/7/2014 và Thông tư liên tịch số 47/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 16/3/2012); Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 06/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC; Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; Thông tư số 09/2023/TT-BTC ngày 08/2/2023 quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật (thay thế Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011).
Như vậy, nội dung và mức chi cho việc quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính cơ bản bảo đảm đầy đủ và bám sát nội dung công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính; chưa phát sinh nội dung cần bổ sung, điều chỉnh theo Báo cáo số 320/BC-BTP ngày 31/12/2021 của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, trường hợp Bộ Tư pháp có đề xuất nội dung cần sửa đổi, Bộ Tài chính khẳng định sẽ phối hợp Bộ Tư pháp để rà soát, sửa đổi Thông tư số 19/2017/TT-BTC cho phù hợp tình hình thực tế.