Thứ sáu, 19/04/2024, 19:19 PM
Ngân hàng   •   Thứ hai, 10/05/2021, 09:04 AM  •  10/05/2021, 09:04

NHNN: Kiểm soát chặt mức độ tập trung tín dụng BĐS vào khách hàng lớn, dự án lớn, nơi sốt đất

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng bất động sản (BĐS) vào một số khách hàng, các dự án bất động sản có quy mô lớn; cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đồng thời tăng cường công tác thẩm định, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, thận trọng cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng bất động sản tại các địa bàn đang sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.

NHNN: Kiểm soát chặt mức độ tập trung tín dụng BĐS vào khách hàng lớn, dự án lớn, nơi sốt đất

Ngân hàng Nhà nước gần đây đã có công văn số 3029/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện nghiêm một số nội dung trong hoạt động.

Cơ quan này cho biết qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của năm 2020, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy một số tổ chức tín dụng có các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng; tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn; lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019.

Cũng trong năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao.

Ngoài ra, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thậm chí, một số ngân hàng thương mại có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh so với năm 2019, trong đó, mức tăng thêm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Về cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng mạnh so với năm trước. Chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng suy giảm mạnh so với cuối năm 2019.

Để đảm bảo an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021.

Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao thực hiện trong năm 2021, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thực hiện 10 nội dung nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng.

Thứ nhất, tín dụng bất động sản phải được kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn; cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đồng thời tăng cường công tác thẩm định, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, thận trọng cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng bất động sản tại các địa bàn đang sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.

Thứ hai, với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng, các tổ chức tín dụng phải nâng cao chất lượng công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay, bố trí nguồn vốn phát triển các gói sản phẩm đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ…

Thứ ba, về tín dụng mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán, phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng của dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro; tuân thủ các quy định về điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thứ tư, đối với tín dụng đối các dự án BOT, BT giao thông, tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, trong đó có liên quan đến các dự án BOT, BT giao thông để hạn chế rủi ro thanh khoản; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước liên đến việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Thứ năm, tổ chức tín dụng phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích khi phát hành trái phiếu của doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi, đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường.

Thứ sáu, tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng và tích cực xử lý nợ xấu; thực hiện phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Thứ bảy, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, hạn chế tối đa tổn thất cho tổ chức tín dụng, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các cổ đông.

Thứ tám, tích cực triển khai các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định về cấp tín dụng, xử lý nợ xấu, xử lý nợ đã sử dụng dự phòng rủi ro.

Thứ chín, thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng thực trạng hoạt động kinh doanh; nghiêm túc thực hiện việc dự thu lãi đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Thứ mười, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán và kinh doanh ngoại hối của tổ chức tín dụng đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật. 

Minh Tâm

Nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm

Ngân hàng   •   Thứ sáu, 12/04/2024, 09:59 AM
Tính từ nửa cuối tháng 3/2024 đã có nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tiền gửi như: HDBank, MSB, VPBank...

Chính phủ “thúc” Ngân hàng Nhà nước trình phương án xử lý ngân hàng SCB

Ngân hàng   •   Thứ sáu, 12/04/2024, 09:58 AM
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng bắt buộc và phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, trình Chính phủ xem xét, quyết định; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Sacombank vẫn chưa chịu chia cổ tức ở năm thứ 9 liên tiếp

Ngân hàng   •   Thứ sáu, 12/04/2024, 09:58 AM
Theo tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 26/4/2024, Sacombank vẫn chưa có ý định chia cổ tức. Trong khi, số tiền hơn 18.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế để làm gì?

Phó thống đốc nói về việc "bốc hơi" tiền gửi tại ngân hàng MSB

Ngân hàng   •   Thứ năm, 04/04/2024, 12:16 PM
Liên quan tới việc khách hàng bị mất tiền trong tài khoản tại ngân hàng MSB, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, một nguyên tắc là những quyền lợi chính đáng của khách hàng thì luôn được bảo vệ.

LPBank tăng 8.000 tỷ vốn điều lệ, lọt top nhà băng có vốn cao nhất

Ngân hàng   •   Thứ hai, 01/04/2024, 11:30 AM
LPBank tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng 31%) qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ngân hàng cũng dự kiến trong ba năm tới sẽ không trả cổ tức nhằm tăng cường năng lực tài chính.