Ngân hàng Nhà nước hút 30.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả chào bán tín phiếu trong phiên chiều nay 12/3, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất.
Kết quả có 7/14 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 14.999,7 tỷ đồng, lãi suất 1,4%, bằng phiên hôm qua (11/3).
Trước đó, trong phiên 11/3, nhà điều hành cũng đã chào thầu thành công gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu cho 6 thành viên thị trường với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,4% sau hơn 4 tháng tạm ngưng.
Như vậy, sau 2 phiên giao dịch, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 30.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.
Đánh giá về vấn đề này các chuyên gia cho rằng động thái hút ròng của cơ quan điều hành chủ yếu do thanh khoản của hệ thống khá dồi dào.
Trong giai đoạn đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng rất chậm và thậm chí còn âm đồng thời huy động vốn cũng tăng trưởng chậm nhưng cao hơn tín dụng. Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia cho biết tín dụng đến hết tháng Hai giảm khoảng 1% còn huy động vốn ước tính giảm khoảng 0,7%.
Điều này dẫn đến thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. Trong phiên 11/3, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm về ở mức 1,17%/năm, giảm mạnh so với mức đỉnh đạt được trong ngày 21/2 (4,14%) tiến gần về mặt bằng thấp được duy trì trong thời gian dài trong giai đoạn dư thừa thanh khoản trước đó (khoảng 0,14%-0,15%/năm).
Bên cạnh đó, động thái hút tiền về qua kênh đấu thầu tín phiếu còn nhằm mục tiêu quan trọng khác là đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn, sát hơn so với lãi suất USD nhằm giảm áp lực tỷ giá.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy xuất nhập khẩu tháng 2/2024 tiếp tục có diễn biến tích cực khi nhu cầu hàng hóa tại các quốc gia xuất khẩu chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, châu Âu,...) phục hồi. Cán cân thương mại thăng dư 4,72 tỷ USD, mở rộng so với tháng 1 cho thấy hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn hoạt động nhập khẩu.
Trog 2 tháng đầu năm 2024, FDI tiếp tục duy trì đà tăng. Trong đó, FDI thực hiện +9,8% so với cùng kỳ năm trước (YoY), FDI đăng ký (không bao gồm góp vốn, mua cổ phần) tăng mạnh + 75,61% YoY. FDI chủ yếu đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo sau là bất động sản. Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 32,3%).
Chỉ số PMI sản xuất tháng 2/2024 là 50,4 điểm, ghi nhận sự cải thiện sau khi vượt mốc 50 điểm vào tháng 1 song mức tăng tổng thể vẫn tương đối yếu. Các doanh nghiệp tiếp tục thận trọng trong hoạt động mua hàng và duy trì hàng tồn kho.