Lương tối thiểu có thể không kịp điều chỉnh vào ngày 1/1/2024
Tại buổi họp báo chiều 17/10, ông Tống Văn Lai - Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết qua 10 năm hoạt động, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã 9 lần khuyến nghị điều chỉnh lương tối thiểu, 1 lần khuyến nghị giữ nguyên mức cũ và hầu hết được Chính phủ đồng tình.
Thông thường, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp vào cuối tháng 7, bàn phương án lương tối thiểu. Đầu tháng 8, hội đồng sẽ họp bàn lại và thương lượng phương án lương tối thiểu cho năm tới.
Trong 6 - 7 tháng đầu năm nay, thị trường lao động nói chung là tốt. Tuy nhiên, ở một số ngành nghề bị giảm đơn hàng, tình hình người lao động bị cắt giảm việc làm, bị giãn việc, thậm chí là mất việc diễn ra nhiều.
"Tại thời điểm đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia nhận thấy chưa chín để xác định, khuyến nghị trình Chính phủ phương án lương tối thiểu năm 2024. Vì vậy, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ cho phép cuối quý 4 (dự kiến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12), Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp. Cuối quý 4, hội đồng mới họp thì chắc chắn lương tối thiểu trong khối doanh nghiệp khó có thể tăng ngay từ 1/1/2024", ông Lai nói.
Theo ông Lai, khi hội đồng khuyến nghị xong, Chính phủ mới xem xét và quyết định. Sau đó, cần có quá trình để luật hóa.
Trước đó, tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8/2023, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng. Nguyên nhân là kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, CPI 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát tăng 4,74%.
Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng 4 và 280.000 đồng với vùng 1, song Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc cho lao động cấp thiết hơn tăng lương.