Lợi nhuận bán niên VPBank nhìn từ báo cáo tài chính ngân hàng mẹ
Thời gian vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE) gây sốt trong giới đầu tư khi công bố bán thành công 49% cổ phần cho Tập đoàn SMBC với mức giá lên đến khoảng 1,4 tỷ USD.
Song song, 1% cổ phần FE Credit cũng thuộc về Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Như vậy, VPBank chỉ còn nắm 50% cổ phần tại FE Credit và 50% cổ phần còn lại thuộc về các đối tác khác.
Bên cạnh việc thu về nguồn tài chính "khủng", động thái này như một lời tuyên bố chính thức về sự dịch chuyển động lực tăng trưởng của VPBank từ FE Credit về ngân hàng mẹ.
Báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính ngân hàng mẹ mà VPBank vừa công bố cho thấy sự dịch chuyển động lực tăng trưởng rõ nét, dù VPBank vẫn chưa hoàn tất thương vụ bán 49% vốn tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC tính đến cuối quý II/2021.
Báo cáo tài chính quý II/2021 cho thấy lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank lên đến 11.530 tỷ đồng, gấp 2,75 lần cùng kỳ năm ngoái. Con số này thậm chí còn cao hơn mức lợi nhuận hợp nhất 9.037 tỷ đồng mà VPBank đạt được nửa đầu năm (tăng 37,2% so với cùng kỳ).
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank vượt lợi nhuận hợp nhất là bởi trong nửa đầu năm nay, ngân hàng mẹ VPBank đã thu về 3.600 tỷ đồng lợi nhuận chuyển về từ FE Credit, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có nguồn thu này.
Tuy vậy, nếu trừ đi nguồn thu này thì ngân hàng mẹ VPBank vẫn ghi nhận tới 7.930 tỷ đồng lợi nhuận, tăng tới 89% so với mức lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2020 và cao hơn nhiều mức tăng 37,2% của lợi nhuận hợp nhất, dù mức tăng 37,2% cũng đã là rất mạnh.
Như vậy, việc động lực tăng trưởng của VPBank dịch chuyển từ FE Credit sang ngân hàng mẹ là rất rõ nét và trên thực tế, sự dịch chuyển này đã âm thầm diễn ra nhiều năm qua.
Làm thế nào để ngân hàng mẹ VPBank đạt được tăng trưởng "khủng" (tăng gấp 2,75 lần, nếu loại trừ lợi nhuận chuyển về từ FE Credit thì tăng 89%) bất chấp dịch Covid-19?
Thứ nhất, thu nhập lãi thuần của ngân hàng mẹ VPBank vẫn tăng mạnh 42% so với nửa đầu năm 2020, đạt 9.755 tỷ đồng, nhờ vào việc doanh thu mảng tín dụng tiếp tục tăng và đặc biệt là chi phí huy động giảm mạnh.
Cụ thể, doanh thu mảng tín dụng (thể hiện qua chỉ tiêu Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự) tăng 7,8%, song song, chi phí huy động (thể hiện qua chỉ tiêu Chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự) giảm tới 21%.
Chi phí huy động giảm, bên cạnh khả năng là do chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra gia tăng so với cùng kỳ, còn là do ngân hàng mẹ VPBank duy trì lượng tiền gửi khách hàng đi ngang ở mức khoảng 229.000 tỷ trong bối cảnh lãi suất tiền gửi nửa đầu năm nay thấp hơn nửa đầu năm ngoái. Trong khi đó, ngân hàng này cũng tăng cường huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng (tiền gửi và vay các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng tăng tới 60% so với cùng kỳ, tương đương tăng hơn 26.000 tỷ đồng) trong bối cảnh lãi suất trên thị trường này ở mức rất thấp, nhờ đó vẫn đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng dư nợ cho vay.
Tính đến hết 6 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ VPBank đạt 249.560 tỷ đồng, tăng gần 13% so với đầu năm, tương đương tăng 28.616 tỷ đồng, phần lớn là do tăng dư nợ ở các lĩnh vực cho vay mua nhà, mua xe, bán buôn, bán lẻ, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, cho vay hộ gia đình...
Bên cạnh mảng tín dụng, các hoạt động phi tín dụng cũng đem về nguồn thu lớn. Nửa đầu năm, mảng dịch vụ đem về cho ngân hàng mẹ VPBank 1.836 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 28%.
Mặc dù mảng mua bán chứng khoán kinh doanh không còn ghi nhận lãi thuần tốt như cùng kỳ năm ngoái (chỉ đạt 6,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là 235 tỷ đồng) nhưng bù lại, mảng mua bán chứng khoán đầu tư lại đem về tới 1.639 tỷ đồng lãi thuần, gấp 2,66 lần cùng kỳ, tương đương tăng 1.023 tỷ đồng.
Ngoài ra, các hoạt động khác còn đem về cho ngân hàng mẹ VPBank 975 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 54%.
Chốt bán niên 2021, tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt 17.789 tỷ đồng, tăng trưởng 82%.
Đáng chú ý, chi phí hoạt động đi ngang, chỉ ở mức 3.165 tỷ đồng, là thành quả của quá trình số hóa ngân hàng nhiều năm qua.
Mặc dù chi phí dự phòng tăng 29%, tương đương khoảng 700 tỷ đồng, nhưng không thấm tháp vào đâu so với mức tăng tổng thu nhập hoạt động. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank vẫn tăng gấp 2,75 lần, lên 11.530 tỷ đồng, như đã đề cập phía trên.
Tính đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ VPBank ở mức 2,1%, giảm so với mức 2,5% hồi cuối năm 2020.