Loạt động thái tăng vốn đẩy giá cổ phiếu VPB tăng phi mã
Thống kê cho thấy kể từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng tới gần 90%, lên trên mốc 60.000 đồng/cổ phiếu và chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại.
Trong báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI đã nâng khuyến nghị lên "khả quan" đối với cổ phiếu VPB với mức giá mục tiêu một năm sau điều chỉnh là 70.000 đồng/cổ phiếu.
Tăng trưởng lợi nhuận cao đều đặn hàng năm là nền tảng (năm 2021 dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 28%, riêng ngân hàng mẹ tăng 35-38%), thị trường chung giao dịch tích cực là bàn đạp, nhưng hàng loạt động thái tăng vốn mới là lực đẩy giúp cổ phiếu này thăng hoa.
Theo ước tính của chuyên gia SSI, thương vụ bán vốn tại FE Credit sẽ giúp VPBank ghi nhận khoản lãi sau thuế khoảng 23.000 tỷ đồng trong năm 2021, cũng nghĩa là vốn tự có của ngân hàng sẽ tăng thêm 23.000 tỷ đồng.
Còn theo tính toán của hãng nghiên cứu FiinGroup, về ngắn hạn, tiền chảy vào FE Credit khoảng 3.572 tỷ đồng (tương đương 154 triệu USD) do VPBank tăng vốn điều lệ FE Credit lên 10.900 tỷ ngay trước giao dịch.
Còn phần lớn dòng tiền còn lại của giao dịch là 1,2 tỷ USD sẽ chảy vào túi VPBank. Trong đó, về mặt kế toán, VPB sẽ hạch toán lợi nhuận từ giao dịch này ở mức khoảng 1,14 tỷ USD, tức giao dịch bán vốn này sẽ đóng góp khoảng 26.500 tỷ vào lợi nhuận ngân hàng trong năm 2021, vốn tự có sẽ tăng lên tương ứng.
Bên cạnh đó, VPBank nhiều khả năng sẽ đàm phán lại hợp đồng bancassurance với hãng bảo hiểm AIA, từ đó giúp gia tăng thêm lợi nhuận cũng như vốn tự có.
Nguồn tiền đem về từ thương vụ bán vốn tại FE Credit, đàm phán với AIA và lợi nhuận năm 2021 sẽ giúp VPBank đạt khoảng 90.000 tỷ đồng vốn tự có vào cuối năm 2021.
Chưa dừng lại ở đó, VPBank còn đang đàm phán phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài. Kế hoạch này bắt đầu từ năm 2019 và có thể hoàn thành vào cuối năm nay.
SSI kỳ vọng VPBank sẽ phát hành riêng lẻ với mức định giá P/B khoảng từ 2 đến 2,5 lần, khi đó giá trị sổ sách của ngân hàng sẽ tăng thêm khoảng 8% đến 12%.
Với việc vốn tự có tăng "phi mã", ngân hàng này dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng trong năm 2022, từ mức 25.299 tỷ đồng thời điểm cuối quý I/2021. Đây cũng là thông tin quan trọng có thể giúp đà tăng của cổ phiếu VPB duy trì trong thời gian dài.