Chủ tịch VTCA: Tiếp tục giảm thuế GTGT, tạo nguồn lực để doanh nghiệp phát triển
Hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giảm thuế GTGT như nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15. Cụ thể: Giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng, từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% trong 06 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu NSNN khoảng 25 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,175 nghìn tỷ/tháng, trong đó, giảm thu khâu nội địa là 2.700 tỷ đồng: giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng).
Bà Cúc nhấn mạnh, nếu như có số tiền này thì ngân sách nhà nước sẽ dùng cho những khoản chi tiêu khác như phục vụ an sinh xã hội, tuy nhiên khi giảm thuế, sẽ giảm chi tương ứng, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác điều hành tài chính - ngân sách của Chính phủ. Song để chung tay đồng hành, sẻ chia cùng doanh nghiệp, việc giảm thuế được xem là giải pháp quan trọng để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời khắc khó khăn hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, chính sách giảm thuế GTGT thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Chính sách giảm thuế GTGT không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng, mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT là hết sức đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo bà Cúc, việc giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2024 thực sự rất quan trọng. Bởi, hiện dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng tình hình doanh nghiệp còn khó khăn, dự báo trong những tháng cuối năm lũ lụt thiên tai ở các tỉnh miền Trung, lũ quét có thể xảy ra… Do vậy, cần tiếp tục tạo nguồn lực để doanh nghiệp phát triển.
“Thuế GTGT được cấu thành trong giá bán sản phẩm, hàng hóa dịch vụ. Việc giảm thuế GTGT 2% có nghĩa giá bán đó sẽ được giảm đi tương ứng với phần thuế giảm, khi thuế giảm thì chi phí sản xuất giá thành sản phẩm cũng giảm theo. Theo đó, doanh nghiệp sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn, khi bán sản phẩm nhiều hơn có thể tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tạo thêm doanh thu, bản thân doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn để giúp phục hồi, phát triển.
Nhìn từ góc độ của doanh nghiệp, có thể nhận thấy, đầu ra của doanh nghiệp này, sẽ là đầu vào của doanh nghiệp khác cứ như vậy tạo ra một vòng tuần hoàn, theo đó sẽ có nhiều hàng hóa được giảm giá thành hơn.
Còn đối với người dân, rõ ràng thuế GTGT nằm trong giá bán của sản phẩm, khi giảm thuế, sản phẩm đó sẽ được giảm giá bán, theo đó cùng một lượng tiền người dân sẽ mua thêm được nhiều hàng hóa hơn, đây cũng là một biện pháp kích cầu tiêu dùng” – bà Cúc nói.