CEO VPBank: Vốn chủ sở hữu ngân hàng có thể đạt 120.000 tỷ đồng vào nửa đầu năm 2022
Chia sẻ tại buổi Gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và Cập nhật Kết quả Kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) diễn ra mới đây, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết tất cả các kế hoạch tăng vốn của ngân hàng đều đã nằm trên bàn nghị sự của ban lãnh đạo.
Ban lãnh đạo VPBank kỳ vọng sẽ thu về 30.000 tỷ đồng từ việc bán 49% cổ phần tại FE Credit cho đối tác Nhật Bản SMBC.
"VPBank sau khi IPO vào năm 2017 đã trở thành ngân hàng cổ phần với đông đảo nhà đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài. Để trở thành ngân hàng tầm cỡ ở Việt Nam và trong khu vực, chúng tôi cần đối tác chiến lược mạnh, chuyên nghiệp, đi cùng chúng tôi lâu dài", Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh nói.
Ông Vinh cho hay việc lựa chọn SMBC trở thành đối tác chiến lược của FE Credit là một khởi đầu trong tiến trình trên. SMBC là tập đoàn thuộc hàng lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có hoạt động tài chính tiêu dùng hết sức thành công tại Nhật Bản và đầu tư ở mảng tài chính tiêu dùng tại nhiều quốc gia châu Á.
"Chúng tôi không muốn mất vị thế số 1 trong tương lai, chúng tôi mong muốn có thêm sức mạnh to lớn. Tài chính tiêu dùng là lĩnh vực nhiều rủi ro nhưng các nước đang phát triển có nhu cầu rất lớn, rất nhiều tiềm năng. Việc liên kết với SMBC tiếp tục giúp FE Credit duy trì vị trí tuyệt đối trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam", ông Vinh nhấn mạnh.
Đáng chú ý, ông Vinh đã tiết lộ kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cực "khủng" của FE Credit trong những năm tới.
Cụ thể, theo vị này, năm 2020, FE Credit dự kiến lãi 6.000 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ thực hiện được 3.700 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi Covid-19. Năm 2021 sẽ là năm khó khăn nhất khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo FE Credit kỳ vọng sẽ có sự phục hồi vào cuối năm nay và trong năm sau.
"Lợi nhuận mà chúng tôi hy vọng sẽ đạt được năm 2022 là trên dưới 6.000 tỷ đồng. Sau khi đã cùng làm việc với SMBC, FE Credit dự kiến đạt được tốc độ tăng trưởng trước khi Covid-19 diễn ra trong 4, 5 năm tới", ông Vinh nói.
Cụ thể, năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận dự kiến lên đến 80% và duy trì mức tăng này đến năm 2025, đưa lợi nhuận của FE Credit sánh ngang với top 5 ngân hàng tại Việt Nam.
"Chúng tôi không bán con gà đẻ trứng vàng. Với 51% cổ phần, chúng tôi vẫn nhận được lợi nhuận khổng lồ trong tương lai", Tổng giám đốc VPBank khẳng định.
VPBank dự kiến dẫn đầu về vốn chủ sở hữu vào năm 2022. Nguồn: VPBankÔng Vinh khẳng định mục đích của VPBank là tiếp tục phát triển đối tác chiến lược. Trong kế hoạch năm nay, VPBank không chỉ bán 49% cổ phần FE Credit mà còn mong muốn có 1 nhà đầu tư chiến lược ở chính ngân hàng mẹ.
"Trên thị trường hiện nay, chúng tôi chỉ đứng thứ 11 về quy mô nhưng quy mô sẽ là 1 trong những mục tiêu lớn nhất mà ban lãnh đạo VPBank nhắm tới. Trong 5 năm tới, VPBank phải tạo ra cơ sở vốn chủ sở hữu top 3 thị trường, từ đó tăng năng lực cạnh tranh, tăng tiềm năng phát triển. Kế hoạch tìm nhà đầu tư chiến lược đang và sẽ thực hiện trong quý III và quý IV", Tổng giám đốc VPBank cho biết.
Ông Vinh nhấn mạnh SMBC là đối tác mà ngân hàng quan tâm cho đợt phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược, nhưng hiện tại còn quá sớm để nói điều gì. Ngân hàng hiện vẫn hoàn toàn cởi mở và đón nhận tất cả sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng.
"Chúng tôi sẽ dành 15% cổ phần cho đối tác chiến lược, kỳ vọng nhận thêm khoản tiền tương đương hoặc cao hơn thương vụ FE Credit", Tổng giám đốc VPBank kỳ vọng.
Nếu chốt được thương vụ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược trong quý IV hoặc đầu năm 2022, ông Vinh cho rằng vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ đạt trên dưới 120.000 tỷ đồng vào quý I hoặc quý II năm 2022.
Liên quan đến việc đàm phán lại hợp đồng bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) với hãng bảo hiểm AIA, Phó Tổng giám đốc VPBank Phùng Duy Khương cho biết mục tiêu của hai bên là đưa hoạt động bancassurance của VPBank từ vị trí số 6 lên vị trí số 1 thị trường.
"VPBank đang thảo luận đưa hợp tác với AIA lên tầm cao mới, không chỉ ở phí trả trước mà còn là các hợp tác đầu tư công nghệ, marketing... Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục trao đổi", ông Khương nói.
Với mục tiêu lợi nhuận năm 2021, phía VPBank cho hay sẽ không thay đổi mục tiêu lợi nhuận cam kết với cổ đông. Song song với việc hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch, ngân hàng muốn đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ xuống dưới 1,5% vào cuối năm nay.