Các ngân hàng sẽ nới lỏng hơn tiêu chuẩn tín dụng trong năm 2021?
Theo kết quả điều tra, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng chậm lại rõ rệt trong năm 2020, nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Nhu cầu vay vốn cho đầu tư du lịch và kinh doanh chứng khoán được nhận định giảm so với năm 2019, nhu cầu vay thương mại và dịch vụ, đặc biệt là vay xuất, nhập khẩu được kỳ vọng tăng trưởng khả quan trở lại trong năm 2021.
Kết quả điều tra cho thấy các tổ chức tín dụng đã và dự kiến tiếp tục cắt giảm lãi suất biên và các chi phí lãi suất trong nửa cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021 để hỗ trợ và tăng khả năng tiếp cận nhu cầu tín dụng của khách hàng.
Rủi ro tín dụng tổng thể được các tổ chức tín dụng nhận định có dấu hiệu tăng trong năm 2020 so với năm 2019, trong đó tăng cao nhất là rủi ro của các khoản vay kinh doanh bất động sản. Các TCTD kỳ vọng rủi ro tín dụng sẽ giảm nhẹ trong năm 2021 so với năm 2020.
Lĩnh vực “bán buôn, bán lẻ” và “xuất nhập khẩu” được nhiều TCTD lựa chọn là động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 hơn các lĩnh vực khác. Hai lĩnh vực này cũng được các TCTD lựa chọn tập trung cho vay trong năm 2021 cùng với các lĩnh vực khác là “phục vụ nhu cầu đời sống” và “xây dựng”.
Đáng chú ý, theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước, trong nửa cuối năm 2020, các TCTD cho biết đã nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều lĩnh vực ưu tiên và giảm thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng khác.
Dự kiến trong năm 2021, các TCTD sẽ “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng.
81% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh năm 2021 cải thiện hơnMột cuộc điều tra khác của Ngân hàng Nhà nước về: “Xu hướng kinh doanh của các TCTD quý I/2021” cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tổng thể của năm 2020 ở mức thấp hơn so với năm 2019 do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và do hệ thống TCTD giảm giá bình quân sản phẩm dịch vụ.
Tính chung trong cả năm 2020, 45,2% các TCTD cho biết đã giảm giá bình quân sản phẩm dịch vụ; 44,2% các TCTD cho biết đã giữ nguyên. Giá bình quân sản phẩm dịch vụ của các TCTD được dự kiến tiếp tục giảm trong quý I/2021.
Tương tự kết quả của cuộc điều tra "Xu hướng tín dụng" tháng 12/2020, các TCTD một lần nữa nhận định mặt bằng lãi suất đã giảm rõ rệt trong năm 2020 và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong quý I/2021, với mức giảm bình quân là 0,05 – 0,16 điểm phần trăm so với cuối năm 2020.
Về đánh giá rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng trong năm 2020, các TCTD đánh giá nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, công ty cổ phần, công ty TNHH được đánh giá có rủi ro tăng cao hơn so với các nhóm khách hàng còn lại.
Theo kết quả điều tra, 66,3% các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh trong quý I/2021 sẽ cải thiên hơn với quý IV/2020; 81% các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh năm 2021 sẽ cải thiện hơn so với năm 2020. Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng 3,5% trong quý I/2021 và tăng 11,9% trong năm 2021.
Hầu hết các nhóm TCTD đều nâng mức dự báo về tăng trưởng huy động vốn năm 2021, ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ.
Kết quả của cuộc điều tra cho thấy đa số các TCTD nhận định tình hình thanh khoản năm 2020 dồi dào hơn so với năm 2019, trong đó thanh khoản của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối quý IV/2020 dồi dào hơn đối với VND.
Thanh khoản toàn hệ thống được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt trong quý I/2021 và cả năm 2021, tạo cơ sở cho kỳ vọng tín dụng sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19.
Dự nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo tăng 3,6% trong quý I/2021 và tăng 13% trong năm 2021. Ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn, các nhóm TCTD còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm 2021.