Bộ Công Thương: Không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu
Bộ Công Thương vừa có Chỉ thị 09 yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh giá bán lẻ, nguồn cung trong nước đang chịu tác động khó lường của tình hình thế giới và lệnh cấm của EU với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga cũng như việc hạn chế sản lượng của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, tư lệnh ngành công thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị liên quan.
Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối được giao đảm bảo đủ tổng nguồn cung tối thiểu năm 2023 (cả về số lượng, chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng.
Bên cạnh đó, phải dự trữ đủ sản lượng, đảm bảo cung cấp cho thị trường nội địa trong mọi tình huống; tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ).
Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối hợp lý, để không gián đoạn nguồn cung.
Cùng đó là cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu trong nước. Trong đó, cam kết rõ ràng, chặt chẽ các chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các cục, vụ theo dõi sát thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu năm nay của các thương nhân đầu mối kinh doanh.
Trường hợp cần thiết, các đơn vị tham mưu cho lãnh đạo bộ điều chỉnh phân giao tổng nguồn tối thiểu và quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu, mua hàng trong nước; bổ sung hạn mức nhập cho một số thương nhân có năng lực, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.
Vụ Kế hoạch - Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét tăng nguồn lực dự trữ xăng dầu quốc gia, đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng. Tình hình sản xuất của hai nhà máy lọc dầu trong nước Dung Quất và Nghi Sơn được yêu cầu theo dõi sát, để đảm bảo cung ứng đủ theo kế hoạch.
"Tổng cục Quản lý thị trường tăng kiểm tra thường xuyên, đột xuất và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong kinh doanh xăng dầu", Bộ Công Thương yêu cầu.
Với các địa phương, ngoài tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, Sở Công Thương các tỉnh tăng giám sát thời gian bán hàng, giá bán lẻ của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Việc này nhằm không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán không lý do, gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung cục bộ.