Bộ Công Thương: Đẩy mạnh xuất khẩu gạo nhưng phải bảo đảm an ninh lương thực
Ngày 4/8/2023 Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo đột phá, giá gạo đạt mốc 690 USD/tấn
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo ước tính của cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7 năm 2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,…
Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo của nước ta đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khu vực Đông Nam Á tăng trưởng vượt bậc; các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững, ngoài ra khu vực thị trường EU cũng ghi nhận sự tăng trưởng cao (gần 30%).
Đánh giá chung về kết quả xuất khẩu gạo 7 tháng, Bộ Công Thương cho biết khác với giá xuất khẩu, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc và gạo nội địa tăng nhanh theo từng ngày. Trung bình mỗi ngày, giá tăng 50-100 đồng/kg. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Cụ thể, từ ngày lệnh cấm của Ấn Độ có hiệu lực (20/7), giá gạo nguyên liệu nội địa tăng 400-500 đồng/kg. Giá gạo IR50404 đạt 10.750 đồng/kg, tăng 5%; gạo OM5451 đạt 11.000 đồng/kg, tăng 5%; giá gạo Đài Thơm đạt 11.300 đồng/kg, tăng 6%;…
Chỉ vài tuần trở lại đây, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng hơn 60 USD/tấn, từ mức 535 tăng lên mức 602 USD/tấn; giá gạo Jasmine đã đạt mốc 690 USD/tấn. Giá lúa ở thị trường nội địa cũng tăng từ 1.300 - 1.900 đồng/kg so với cùng kỳ.
Về tình hình sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến năm nay, cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Bảo đảm an ninh lương thực
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người dân với giá có lợi nhất, đồng thời góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đề nghị các đơn vị của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo tập trung triển khai tốt một số nội dung trọng tâm.
"Đây là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu Gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, trước những động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan,... chúng ta cũng cần rất thận trọng, tránh lợi thế người đi đầu quay đầu thành người đi sau"- Tư lệnh ngành Công Thương lưu ý, nhấn mạnh việc bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm là vô cùng quan trọng để giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường bền vững.
Thứ hai, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo để tận dụng thời cơ, vẫn phải bảo đảm được an ninh lương thực cho đất nước trong mọi tình huống.
Thứ ba, cần tiếp tục xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa người sản xuất, vùng trồng với các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo; và giữa các thương nhân với nhau; để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng và tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, cùng với hệ thống dự trữ quốc gia, 2 Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Miền Nam phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Bộ Công Thương giao cho Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị chức năng theo dõi, có cơ chế giám sát đặc biệt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị này để bảo đảm dự trữ thương mại, duy trì nguồn cung và bình ổn giá cho thị trường trong nước, kiểm soát giá gạo xuất khẩu.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng theo quy định...